70 năm giải phóng Thủ đô

Thương mại Việt Nam - Ai Cập đặt mục tiêu 500 triệu USD

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Bộ trưởng, giá trị mậu dịch giữa hai quốc gia đã tăng hơn 10 lần trong vòng 13 năm qua, từ mức 14-15 triệu USD vào năm 1997 lên 167 triệu USD trong năm nay.

KTĐT - Theo Bộ trưởng, giá trị mậu dịch giữa hai quốc gia đã tăng hơn 10 lần trong vòng 13 năm qua, từ mức 14-15 triệu USD vào năm 1997 lên 167 triệu USD trong năm nay.

Bộ trưởng Đầu tư Ai Cập Mahmound Mohieldin cho biết doanh nghiệp nước này sẽ tập trung vào khu vực xây dựng, công nghệ và năng lượng khi xúc tiến đầu tư tại Việt Nam.

Trao đổi với báo chí hôm 25/1 nhân chuyến làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Đầu tư Ai Cập cho biết hai nước đã tiến gần tới việc ký kết Nghị định song phương về hợp tác đầu tư, mở rộng quan hệ thương mại. Nghị định này được bắt đầu xây dựng từ năm 1997.

Theo Bộ trưởng, giá trị mậu dịch giữa hai quốc gia đã tăng hơn 10 lần trong vòng 13 năm qua, từ mức 14-15 triệu USD vào năm 1997 lên 167 triệu USD trong năm nay. Tuy nhiên, với quy mô thị trường 180 tỷ USD của Ai Cập và 80 tỷ USD của Việt Nam, lãnh đạo hai nước cho rằng con số này có thể vươn tới 500 triệu USD trong vài năm tới.

Trong quan hệ thương mại với Ai Cập, Việt Nam là nước xuất siêu với giá trị xuất khẩu tương đương 150 triệu USD trong năm 2009, trong khi chỉ nhập khẩu khoảng 15-20 triệu USD. Theo Bộ Đầu tư Ai Cập, hiện chưa có doanh nghiệp nào của nước này có dự án tại Việt Nam trong khi số doanh nghiệp Việt có mặt tại nước bạn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn hoạt động ở quy mô nhỏ.

Thị trường Ai Cập đặc biệt có nhu cầu đối với các sản phẩm nguyên liệu thô và thực phẩm, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi đó, với mục tiêu tăng GDP 6-7% trong 2010, Chính phủ Ai Cập cho rằng tổng đầu tư xã hội sẽ phải tăng trên 20%. Hiện vốn trong nước chỉ đáp ứng được 2/3 yêu cầu này nên quốc gia châu Phi này đang hết sức kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ khu vực Đông Á. Quy mô FDI của Ai Cập hiện ở mức 10 tỷ USD một năm.

Mặt khác, các doanh nghiệp của quốc gia này rất có thế mạnh ở lĩnh vực xây dựng, công nghệ và khai thác khí đốt. Bên cạnh các ngành này, Bộ Đầu tư Ai Cập cho rằng hai nước có thể hợp tác trên các lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, thủy sản, du lịch và dịch vụ tài chính...

Đánh giá về môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Mohieldin đặc biệt đánh giá cao uy tín của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp FDI. Ông cũng cho rằng, với những thành công trong chống suy giảm kinh tế, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.