Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương nhớ giếng làng

Hoàng Thu Phố
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương nhớ gì lại thương nhớ giếng làng. Thế mà thương nhớ thật, nhất là vào những ngày cuối Chạp, khi mưa bụi lay phay trùm lên vạn vật.

Ảnh: Hoàng Thu Phố
Đi dọc ngang các làng quê, ở đâu cũng có thể gặp lại giếng làng. Có giếng to, giếng nhỏ. Có giếng hình tròn, to như cái ao; lại có cả giếng hình vuông, hình chữ nhật. Có giếng thành cao để tránh trẻ sảy chân ngã xuống, có giếng thành thấp lòng giếng bé con con. Thậm chí, ở làng Phú Mẫn (thị trấn Chờ, Bắc Ninh), có giếng cổ Ngõ Ba được lắp kính trong suốt để dân làng có thể nhìn thấy lòng giếng mà vẫn đi lại thuận tiện.
Giếng làng từng là nơi sinh hoạt cộng đồng. Ở đó dân làng từ sáng sớm đã ra lấy nước về sinh hoạt, đám thanh niên và trẻ con chiều chiều ra tắm mát. Cuối năm, giếng là nơi tụ tập rửa lá dong gói bánh chưng, mổ lợn cùng ăn Tết. Ở làng Yên Thôn (xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) còn có tục vào đêm 30 Tết, người dân ra giếng làng gánh nước về lấy may.
Hoặc cũng có nơi giờ vẫn còn giữ lệ trai đi lấy vợ phải ra giếng làng lấy nước về thổi xôi làm sính lễ. Có ai đi xa về, dừng chân múc ngụm nước giếng mát lạnh uống cho thỏa cơn khát. Giếng nước với mặt gương phẳng lặng còn là nơi nhiều cô gái soi mình làm duyên, vì thế rất nhiều chuyện hẹn hò, nên đôi nên lứa.

Có thể tìm thấy ở nhiều ngôi làng những giếng xưa cũ. Nhưng có một sự thật là hầu hết các giếng làng còn lại hiện nay đều chỉ như một… di sản của làng. Ông Phan Khắc Hùng ở xã Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: Giếng Bìm từng có nguồn nước ngon nhất làng, cung cấp đủ nước cho người dân các xóm xung quanh.
Nhưng bước vào kinh kế thị trường, người dân lấp ao, xây nhà cao tầng nhiều là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống giếng trong làng cạn kiệt, dần dần mất nước. Mấy năm trước, để tránh rác và trẻ con ngã xuống giếng, người dân đã thống nhất hàn sắt “bao bọc” miệng giếng. “Nhưng làm như thế thì cái giếng thành “giếng chết”. Vô hồn lắm! Nên gần đây chúng tôi là thống nhất tháo bỏ tấm sắt ấy”- ông Hùng chia sẻ.

Cách đó không xa, nhiều giếng ở làng Yên, làng Chàng Sơn, làng Thạch, rồi Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải… cũng bị bịt kín. Ở làng Thạch, nhiều người tiếc nuối, giếng Ngõ Giữa từng “tốt nước nhất làng”, nay đã bị bịt kín vì… hết nước. Trên thành giếng vẫn đề rõ năm đào giếng là năm 1939.

Không ai nỡ lấp đi cái giếng gắn bó gần 80 năm với làng, nhưng cứ để giếng khô khốc quanh năm, rác bay xuống thì cũng vô cùng áy náy. Đó cũng là lý do để người dân các vùng quê chọn để ứng xử với những di sản của ông cha đã để lại cho ngôi làng. Nếu không hàn sắt chắc chắn, thì cũng lấy mấy tấm gỗ đậy lại, hoặc mấy tấm tôn che chắn…
Nhìn những cái giếng rêu mốc, cỏ mọc xanh rì nhiều người không khỏi chạnh lòng, nhưng biết làm cách nào để các giếng làng sống lại với dân làng? Câu hỏi đó thật khó trả lời, bởi hiện nay tất cả đều được cho là do nguồn nước cạn kiệt.

Ở làng cổ Đường Lâm hiện nay có gần chục giếng đá ong được bảo vệ cẩn thận. Ở đây còn có giếng Chuông Sa nổi tiếng với dòng nước mát lành, nhiều phụ nữ khi sinh con không có sữa, thường tìm về đây xin nước uống… Người xưa lập làng là tìm nơi có mạch nước tốt để đào giếng. Giếng gắn liền với làng, giống như một sự đảm bảo cho cuộc sống, sự an cư lạc nghiệp của cha ông ta từ xưa.
Giếng còn gắn với yếu tố phong thủy, mạch nguồn của sự hưng thịnh trong làng. Giếng làng cũng gắn bó với không gian sinh hoạt chung của cư dân nông nghiệp. Thế nhưng khi cuộc sống nhiều đổi thay, giếng làng đang chìm khuất dưới những ngôi nhà tầng thấp, tầng cao. Nhiều giếng làng chỉ còn đó như một vết dấu cũ…

Bởi thế, đi trong mưa bụi lay phay, mà cứ thương cứ giếng làng…