Thưởng Tết Canh Dần: Khối ngoại át khối nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thưởng Tết giảm, nhưng thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng trong năm qua của các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng 1,45 lần so với năm 2008, đạt 2,29 triệu đồng. Doanh nghiệp có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là 6,5 triệu đồng một tháng;

KTĐT - Thưởng Tết giảm, nhưng thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng trong năm qua của các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng 1,45 lần so với năm 2008, đạt 2,29 triệu đồng. Doanh nghiệp có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là 6,5 triệu đồng một tháng; doanh nghiệp có thu nhập bình quân thấp nhất là 1,2 triệu đồng một tháng.

Mức thưởng Tết bình quân của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn Hà Nội là 3,36 triệu đồng, của doanh nghiệp nhà nước là 1,86 triệu đồng và của doanh nghiệp dân doanh là 1,82 triệu đồng.

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, xét cả tiền lương năm 2009 và thưởng Tết Canh Dần, khối FDI đều cao hơn doanh nghiệp nhà nước và dân doanh và cao hơn năm 2008. Cụ thể, nếu năm 2008 thưởng Tết bình quân đầu người của doanh nghiệp FDI chỉ 3,17 triệu đồng thì Tết Canh Dần tăng lên 6%, đạt 3,36 triệu đồng. Tiền lương tháng bình quân năm 2009 của doanh nghiệp FDI tăng 11,4% so với năm 2008, đạt 2,3 triệu đồng.

Khối doanh nghiệp FDI cũng có mức chênh lệch cao nhất về tiền lương, thu nhập năm 2009. Trong khi một ngân hàng vốn đầu tư nước ngoài thu nhập bình quân đầu người là 26,6 triệu đồng một tháng thì doanh nghiệp sản xuất sứ vệ sinh chỉ 1,46 triệu đồng một tháng. Người có mức thu nhập cao nhất ở khối doanh nghiệp này là 140 triệu đồng một tháng, mức thấp chỉ là 1,1 triệu đồng.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, từ đầu quý 3/2009, nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, nhiều công ty sản xuất kinh doanh có hiệu quả nên tiền thưởng Tết Canh Dần cao hơn năm 2008, bình quân đầu người đạt 1,86 triệu đồng. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng một người, thấp nhất là 500.000 đồng một người.

Bình quân thu nhập năm 2009 của khối doanh nghiệp nhà nước là 2,8 triệu đồng, tăng 11,3% so với năm 2008. Doanh nghiệp có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất là trên 6 triệu đồng một người, tập trung vào nhóm ngành dịch vụ. Mức thu nhập bình quân tháng thấp nhất 1,6 triệu đồng thuộc về ngành dệt, sản xuất giầy. Người có thu nhập tháng thấp nhất ở loại hình doanh nghiệp này là 1,1 triệu đồng và người có mức thu nhập cao nhất là 25 triệu đồng.

Trong khi hai loại hình doanh nghiệp trên thưởng Tết tăng thì khối dân doanh, chiếm đông đảo nhất, tạo ra nhiều việc làm nhất trên địa bàn Hà Nội, thưởng Tết bình quân đầu người chỉ 2,21 triệu đồng, giảm 46,7% so với năm 2008. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 50 triệu đồng một người, thấp nhất là 200.000 đồng.

Sở Lao động cho rằng nửa đầu năm 2009, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, công nhân thiếu việc làm. Mặt khác, năm 2009 mức lương của người lao động cao hơn nên trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp đối với người lao động tăng, cộng với việc phải đóng thêm 1% quỹ lương doanh nghiệp cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2009 đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thưởng Tết giảm, nhưng thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng trong năm qua của các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng 1,45 lần so với năm 2008, đạt 2,29 triệu đồng. Doanh nghiệp có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là 6,5 triệu đồng một tháng; doanh nghiệp có thu nhập bình quân thấp nhất là 1,2 triệu đồng một tháng. Xét về cá nhân, người có thu nhập thấp nhất một tháng là 800.000 đồng, cao nhất là 50 triệu đồng.

Mặc dù có báo cáo khá chi tiết, nhưng những con số trên chưa phản ánh hết thực tế lương thưởng Tết của người lao động trên địa bàn Hà Nội. Bởi hiện mới có hơn 100 doanh nghiệp báo cáo về Sở, trong khi số doanh nghiệp trên địa bàn lên tới vài chục nghìn.