Thường trực chuyển lũ tại công trình Đập Đáy, bảo vệ an toàn vùng Thủ đô
Trong lịch sử trị thủy, sông Đáy được coi là dòng phân lưu quan trọng nhất đối với lũ sông Hồng, làm giảm đáng kể mực nước lũ mà hệ thống đê phải chịu đựng. Theo đó, từ những năm đầu thế kỷ XX, các nhà kỹ thuật đã đưa ra dự kiến đưa lũ sông Hồng vào sông Đáy như một giải pháp phòng chống lũ, bảo vệ vùng Thủ đô.
Đập Đáy được người Pháp cho tiến hành nghiên cứu để giải quyết vấn đề lũ lụt Bắc Bộ từ sau những trận lụt gây hậu quả nghiêm trọng những năm 1893, 1915. Ngày 23/6/1934, đồ án xây dựng Đập Đáy được phê duyệt, sau đó thi công trong 3 mùa khô liên tiếp. Đến ngày 21/3/1937, công trình Đập Đáy được hoàn thành.
Mặc dù vậy, trong đợt thử thách chống lũ đầu tiên vào năm 1940, công trình Đập Đáy không làm được nhiệm vụ thiết kế. Do không phân lũ được qua Đập Đáy, ngày 20/8/1945, tuyến đê trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình bị nứt vỡ nhiều chỗ, khiến hơn 260.000ha lúa bị ngập. Kho bạc Nhà nước đã phải chi tới 2 triệu đồng tiền Đông Dương để khắc phục sự cố đê điều.
Ngày 11/10/1945, khi tất cả điểm vỡ được hàn khẩu xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì một phiên họp Chính phủ, trong đó chương trình tu sửa đê điều được xem là một trong những chương trình nghị sự đặc biệt quan trọng. Ngày 22/5/1946, Bác Hồ ký Sắc lệnh 70, thành lập Ủy ban Trung ương Hộ đê ở Bắc Bộ.
Kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế (1955 - 1958) mà chủ yếu là khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cơ sở cải tạo, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi đã được thực hiện trên quy mô lớn và diện rộng. Đập Đáy cũng được gấp rút tu bổ, khắc phục các nhược điểm để sẵn sàng ứng phó với lũ lụt ở khu vực Bắc Bộ.
Ngày 17/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đi kiểm tra đê ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và Hà Nội, trong đó có công trình Đập Đáy. Dưới sự chỉ đạo, đôn đốc trực tiếp của Bác, công trường tu sửa Đập Đáy bừng lên khí thế sôi nổi, khẩn trương, với sự tham gia của hàng nghìn người dân từ Sơn Tây đổ xuống, Hà Đông - Hà Nội kéo lên...
Giám đốc Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đinh Công Sơn cho biết, phát huy truyền thống của một đơn vị được Bác Hồ về thăm, những năm qua, tập thể cán bộ, lãnh đạo Ban đã đoàn kết, nhất trí, chủ động và tích cực tìm tòi, học hỏi, vượt qua khó khăn để vận hành công trình đúng quy định của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) và đặc biệt là Quyết định số 1240/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lũ.
Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình Đập Đáy được thực hiện thường xuyên, với sự hỗ trợ từ ngân sách Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) và TP Hà Nội hiện nay. Trong suốt 60 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm, công trình đã đóng góp quan trọng trong nhiệm vụ chuyển lũ, cắt lũ, bảo vệ an toàn cho vùng Thủ đô.
Để bảo đảm công tác phòng, chống lũ của công trình phân lũ Đập Đáy, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ yêu cầu Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục quản lý, vận hành và bảo vệ tốt cụm công trình lấy nước sông Hồng vào sông Đáy. Thường trực chuyển lũ, đảm bảo phân lũ chính xác, kịp thời và an toàn.
Duy trì tuần tra bảo vệ kênh dẫn Cẩm Đình - Hiệp Thuận, xử lý nghiêm các vi phạm và tuyệt đối không để phát sinh vi phạm mới trên hệ thống thủy lợi. Bảo đảm công tác duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa kịp thời máy móc, thiết bị; đồng thời làm tốt công tác an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trong mùa mưa lũ 2022 và những năm tiếp theo.

Bộ Nông nghiệp sẽ hỗ trợ Hà Nội hơn 1.260 tỷ đồng phòng chống thiên tai
Kinhtedothi - Liên quan đến tình trạng úng ngập và sạt lở bờ sông thời gian qua trên địa bàn Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài lưu ý TP tuyệt đối không chủ quan, bởi ảnh hưởng thiên tai không thường xuyên nhưng hậu quả có thể rất nặng nề.

Nâng cấp hạ tầng, chủ động ứng phó thiên tai
Kinhtedothi - Trong 3 năm gần đây (2019 - 2021), Hà Nội thường xuyên phải hứng chịu các loại hình thiên tai, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Mục sở thị công trình gần 90 năm tuổi phân lũ bảo vệ vùng Thủ đô
Kinhtedothi - Đập Đáy được người Pháp thiết kế xây dựng từ năm 1934, hoàn thành năm 1937; được Nhà nước cải tạo, nâng cấp năm 1975. Công trình có nhiệm vụ phân lũ sông Hồng để bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh hạ du; chống úng, chống lũ cho các vùng ven sông Đáy.