Sáng nay, 30/5, UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023.
Dự Hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư Triệu Tài Vinh; Phó Chánh VP T.Ư Đảng Bùi Văn Thạch; Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn.
23.992 Ngày hội ở khu dân cư tổ chức được “Bữa cơm đại đoàn kết”
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đánh giá kết quả tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư 20 năm qua luôn nhận được sự quan tâm của T.Ư, TP, các cấp ủy Đảng; tạo điều kiện về kinh phí của chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên và cố gắng của đội ngũ cán bộ Mặt trận từ TP đến cơ sở; sự tham gia Ngày hội của lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam T.Ư, TP và lãnh đạo địa phương. Đó là nguồn cổ vũ, động viên cả về vật chất và tinh thần cho Nhân dân, qua đó tiếp tục tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Đáng chú ý, thông qua Ngày hội đã tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng khu dân cư phát triển toàn diện...
Thông qua việc tổ chức Ngày hội ở khu dân cư, đã kịp thời tôn vinh các tập thể, cá nhân người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội, thúc đẩy phong trào, thi đua phát triển sản xuất kinh doanh và giảm nghèo bền vững. Đồng thời là dịp để thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên có cuộc sống tốt hơn; huy động được những nguồn lực xây dựng các công trình của địa phương, sử dụng hiệu quả, thiết thực...
Hằng năm, các danh hiệu văn hóa ở các địa phương tại Hà Nội được giữ vững và phát huy, tỷ lệ đạt chuẩn văn hóa ngày càng cao: Năm 2022 có 88% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 1.360/2.149 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa, đạt 63%; 2.356/3.249 tổ dân phố (TDP) đạt TDP văn hóa, chiếm 72,5%; số cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa ước đạt 71,8%.
Trong 20 năm qua, tại Ngày hội đã vinh danh, khen thưởng 172.478 tập thể và 613.211 hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu.
Đáng chú ý, 20 năm qua, TP có 89.485 Ngày hội được tổ chức, với 78.903 khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, đạt tỷ lệ 88%; đã có 23.992 Ngày hội ở khu dân cư tổ chức được “Bữa cơm đại đoàn kết”.
Những đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ mỗi địa bàn cơ sở ngày càng được thể hiện rõ: Ban đầu Ngày hội được tổ chức tại từng khu dân cư, sau đó nhiều đơn vị thay đổi quy mô tổ chức thành liên khu dân cư, các hoạt động được mở rộng, có quy mô lớn; phần lễ và phần hội của Ngày hội cũng được đổi mới rất nhiều qua từng giai đoạn…
“Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thể hiện rõ hơn trách nhiệm, vai trò liên minh chính trị, từng bước khẳng định vị trí trung tâm, cầu nối mật thiết của tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với Nhân dân; khơi dậy sức mạnh, quyết tâm cống hiến của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng đất nước”- ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Cùng với đó, các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, chăm lo cho đoàn viên, hội viên được triển khai ngày càng bài bản, hiệu quả. Trong đó đã tiếp nhận đăng ký, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của 3 cấp từ năm 2016 đến nay được trên 303 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ vận động được, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 7.637 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ sinh kế cho 10.476 người nghèo. Trong đó, TP trích Quỹ và phối hợp các tổ chức, DN thực hiện công tác an sinh xã hội và chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn với tổng số tiền 35,3 tỷ đồng.
Trong 20 năm qua, có 4.385 công trình dân sinh được xây dựng trong dịp tổ chức ngày hội, 9.978 nhà Đại đoàn kết được xây mới, 3.940 nhà Đại đoàn kết được sửa chữa, 5.878 nhà Đại đoàn kết được trao tặng dịp ngày hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch MTTQ xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm Cao Văn Vũ và Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT TDP số 6 phường Quán Thánh, quận Ba Đình Phạm Thị Hồng Sinh... tham luận, làm rõ thêm các vấn đề từ thực tế địa phương.
Tạo đồng thuận, tự giác tham gia của người dân vào các hoạt động Ngày hội
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy chúc mừng những thành tích mà cán bộ và Nhân dân TP Hà Nội đã đạt được, nhất là những kết quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đạt được trong 20 năm qua.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam TP nhấn mạnh: Việc tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" tiếp tục được xác định là một giải pháp trọng tâm của MTTQ Việt Nam các cấp trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở. Nhằm phát huy kết quả đạt được và kịp thời khắc phục những khó khăn, ông Hoàng Công Thủy đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chủ động tham gia góp phần làm cho Ngày hội trở thành hoạt động nền nếp, đa dạng, sinh động tại các địa phương, cơ sở toàn TP.
Cùng đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của TP cần bám sát tình hình và điều kiện từng địa bàn, chủ động đề xuất giải pháp mới, tạo điểm nhấn tích cực trong tổ chức, lựa chọn chủ đề hằng năm phù hợp để Ngày hội trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia. Đồng thời, MTTQ Việt Nam các cấp bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương để xác định nội dung, lựa chọn phương thức tổ chức Ngày hội; đa dạng hình thức huy động nguồn lực hỗ trợ cho các khu dân cư; chú trọng phát hiện, biểu dương tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, các mô hình hữu ích cho cộng đồng... làm cơ sở thu hút, tập hợp, phát huy các giá trị trong tổ chức Ngày hội tại mỗi địa phương.
Thay mặt Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao những kết quả của MTTQ Việt Nam và chính quyền các cấp ở Thủ đô đã đạt được trong việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 20 năm qua, qua đó từng bước xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân cư.
Nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có vai trò rất quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị: Các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP có giải pháp khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra và tập trung tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng bộ. Qua đó, tạo thống nhất trong tư tưởng, hành động của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân.
Bên cạnh đó, đề nghị MTTQ tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu với các cấp Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên nhằm phát huy vai trò, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội ở khu dân cư, kịp thời hướng dẫn các Ban CTMT tổ chức tốt Ngày hội tại địa phương. Phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban CTMT trong đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát tình hình thực tế cộng đồng dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội bảo đảm vừa trang trọng vừa vui tươi, gần gũi, gắn bó trong Nhân dân. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, KT-XH của địa phương và biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua ở cơ sở.
“Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia Ngày hội, là những nhân tố tích cực kết nối, lan toả tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư; phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của Nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động Ngày hội của Nhân dân trên địa bàn dân cư. Đồng thời, tăng cường vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư, con em quê hương đang sinh sống, công tác ở địa phương khác hướng về Ngày hội, huy động các nguồn lực, thực hiện tốt xã hội hóa tạo nguồn lực trong tổ chức Ngày hội và các hoạt động ở khu dân cư”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Đại diện UBND TP và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Thường trực Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP tiếp tục phối hợp tốt để xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện. UBND các cấp TP thực hiện nghiêm việc ký và triển khai Kế hoạch liên tịch với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tổ chức Ngày hội; tăng phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt Ngày hội ở khu dân cư.
Khen thưởng 40 tập thể, 41 cá nhân xuất sắc
Nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp vào kết quả 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023 của TP Hà Nội, tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Thi đua-Khen thưởng TP Hà Nội đã công bố Tờ trình của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen cho 3 tập thể: Ban CTMT khu dân cư số 6 phường Quán Thánh, quận Ba Đình; Ban CTMT TDP số 8 phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng; Ban CTMT thôn Hát Phượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.
Cũng dịp này, Thành ủy Hà Nội đã có Quyết định khen thưởng 10 tập thể, 10 cá nhân; UBND TP có Quyết định khen thưởng 30 tập thể, 31 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP có quyết định khen thưởng 116 tập thể, 112 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023.
Tại Hội nghị, lãnh đạo TP đã trao Bằng khen của Thành ủy, UBND TP cho các tập thể, cá nhân.
Trong đó 10 tập thể được nhận Bằng khen của Thành ủy gồm: Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng; Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ; Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm; Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm; Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Định Công, quận Hoàng Mai; Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cổ Loa, huyện Đông Anh; Khu dân cư đường QL 1A xã Duyên Thái, huyện Thường Tín; Ban CTMT thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng; Ban CTMT thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức.
10 cá nhân được nhận Bằng khen của Thành ủy, trong đó có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn và 9 cán bộ Mặt trận các cấp tại các quận, huyện: Ba Đình, Đông Anh, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa.