Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ KH&ĐT: Thúc đẩy phối hợp trong quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội

Trần Long - Thuỷ Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ KH&ĐT về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ KH&ĐT và UBND TP Hà Nội; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020; định hướng phối hợp công tác trong giai đoạn tiếp theo và các kiến nghị, đề xuất.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ KH&ĐT, TP Hà Nội.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.
Phấn đấu tăng trưởng gấp 1,3 lần mức chung cả nước
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đã hoàn thành đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố đã đề ra, trong đó, có 4 chỉ tiêu vượt, 3 chỉ tiêu về đích sớm 2 năm. Trong những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô, còn có sự quan tâm thường xuyên của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ KH&ĐT.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ KH&ĐT đã giúp đỡ rất nhiều cho thành phố Hà Nội. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là tăng trưởng gấp 1,3 lần mức chung của cả nước và hoàn thành dự toán thu ngân sách Chính phủ giao, Hà Nội có nhiều vấn đề cần sự hỗ trợ của Bộ KH&ĐT, trước mắt là tháo gỡ khó khăn trong năm 2020, chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn tới.
Công tác phát triển kinh tế được thực hiện tốt
Báo cáo kết quả hợp tác do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trình bày cho thấy, trên cơ sở phối hợp và hướng dẫn của Bộ KT&ĐT, công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được tổ chức thực hiện tốt. Cụ thể, đối với công tác quản lý đầu tư, tổng mức kế hoạch vốn trung hạn của TP là hơn 107.303 tỷ đồng. Trong đó, các dự án, nhiệm vụ đầu tư cấp TP là 84.396 tỷ đồng (chiếm 78,7% tổng mức vốn trung hạn). Dự kiến hết năm 2020, TP sẽ giải ngân được 90.350 tỷ đồng (đạt 89,5% kế hoạch đã giao). 
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trình bày báo cáo tại hội nghị.
Đáng chú ý, trong công tác thu hút FDI và xúc tiến đầu tư, giai đoạn 2016-2020 (tính đến hết tháng 8/2020), TP đã thu hút mới trên 25,5 tỷ USD và vốn đầu tư thực hiện trong kỳ đạt trên 13,5 tỷ USD. Từ năm 2016 - 2019, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp thu ngân sách đạt 3,416 tỷ USD; cung ứng việc làm cho trên 310.370 lao động (chiếm 11% số lao động trong các DN). Riêng năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,669 tỷ USD và là năm thứ hai đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập. Số lượng DN đăng ký thành lập mới trong giai đoạn 2016-2019 đã có sự tăng đáng kể về số lượng và vốn đăng ký. Đã có 99.503 DN đăng ký thành lập (tăng 24% so với tổng số DN đăng ký trong 5 năm trước) với số vốn đăng ký là 1,225 triệu tỷ đồng (tăng 118% so với tổng số vốn đăng ký trong 5 năm trước). 
Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, năm 2020, mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19 song kinh tế Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng. TP khẩn trương rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các DN trên địa bàn (chiếm 45% của cả nước). Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - năm thứ 2 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, TP; chỉ số CCHC (PAR Index) - năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, TP. Vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 4,6%, tổng dư nợ tăng 4%. Có 17.800 DN được thành lập mới với vốn đăng ký 241.700 tỷ đồng (tuy giảm 3% về số lượng DN nhưng tăng 1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ). Thu hút FDI của Hà Nội đạt 2,86 tỷ USD… 
Tại hội nghị, Hà Nội đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể với Bộ KH&ĐT để nghiên cứu, xem xét điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó, Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT phối hợp Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành T.Ư quan tâm trong việc tham mưu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Bộ KH&ĐT phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề vượt thẩm quyền trong điều kiện chưa sửa đổi Luật Đầu tư công để tháo gỡ khó khăn trong thủ tục giao đơn vị lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án, quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và quy định điều kiện ghi vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, kế hoạch vốn ODA cấp phát được giao 3.299.500 triệu đồng cho 6 dự án nhưng do còn một số vướng mắc của các dự án (Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; 2 dự án Trường nghề thuộc Dự án “Tăng cường lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp” nên Hà Nội đề nghị giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát năm 2020 khoảng 1.752 tỷ đồng để điều chuyển cho các ngành, địa phương khác…

Cần phải có chiến lược trong tầm nhìn quy hoạch

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ rất chặt chẽ để thực hiện các nội dung hợp tác giữa Bộ và TP trong thời gian qua. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng ghi nhận Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó diện mạo Thủ đô ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại, năng động. Các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng TP đề ra đều đã đạt, vượt và đóng góp rất lớn cho phát triển chung của cả nước.

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Đặc biệt dù bị tác động của dịch Covid-19, song Hà Nội vẫn đạt được tăng trưởng tốt, trong đó chất lượng tăng trưởng lớn, năng suất lao động tốt. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra một số thách thức với TP. Trong đó, TP chưa khai thác hết những tiềm năng, cơ hội, chưa tạo ra những cú hích mang tính đột phá để TP phát triển mạnh mẽ hơn; chưa có sản phẩm chủ lực, thương hiệu vượt trội để nâng cao năng lực cạnh tranh; chưa thu hút được các dự án FDI có vốn lớn, có tính chất dẫn dắt cho động lực phát triển; hoạt động đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường còn nhiều vấn đề đặt ra.

“Nếu chúng ta không có cái nhìn tổng thể thì sẽ không bao giờ có thể giải quyết được. Đây là câu chuyện của quy hoạch, cần sự tham gia của các cấp, các ngành” – ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Riêng về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng TP cần thành lập một Ban chỉ đạo, nên thuê cả tư vấn nước ngoài để có cái nhìn khách quan và có thể phát huy được các tiềm năng. “Tầm nhìn quy hoạch của Hà Nội cần phải mạnh mẽ hơn. Hà Nội phải chủ động, đổi mới tư duy và có tầm nhìn chiến lược” – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói. Đồng thời lưu ý, cần xác định Hà Nội là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng; là thị trường tiêu thụ và cung cấp các dịch vụ hậu cần cho trung du miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao ý tưởng về mua xe máy cũ nhưng cho rằng việc này vẫn “chưa tới”. Vì vậy, Bộ trưởng kiến nghị TP nên nghiên cứu tổng thể về đề án này, trong đó nâng tiêu chuẩn môi trường của Hà Nội, từ đó tiêu chuẩn các xe máy cũng phải thay đổi theo hướng thân thiện với môi trường. Bộ trưởng cũng lưu ý TP cần nghiên cứu xây dựng các tuyến giao thông mới, không chỉ là lưu thông mà còn phải trở thành hành lang kinh tế, tạo ra động lực phát triển mới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng thống nhất về các kiến nghị của Hà Nội về công tác quy hoạch, công tác xúc tiến đầu tư. Đối với các vướng mắc về cơ chế chính sách, Bộ KH&ĐT sẽ ghi nhận và phối hợp với các bộ, ban ngành để nghiên cứu, tháo gỡ.

Sớm thực hiện xong việc quy hoạch Thủ đô

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ lớn. Từ đó, Bí thư Thành ủy giao UBND TP sớm thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, mời các chuyên gia, thuê tư vấn trong và ngoài nước để sớm phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông kết nối trên địa bàn và các địa phương xung quanh. Đặc biệt, xây dựng một số cây cầu bắc qua sông Hồng tạo đột phá lớn về phát triển kinh tế.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Trong việc tháo gỡ các thể chế, chính sách, cơ chế điều phối liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà Hà Nội là chủ tịch, Bí thư Thành uỷ cho biết, Hà Nội đã có đề nghị một số công trình hạ tầng kết nối giao thông liên vùng. Đối với một số địa phương như Phú Thọ, Bắc Giang có văn bản gửi Thành uỷ, TP Hà Nội, việc này TP sẽ bố trí trong đầu tư công của TP và phối hợp với các bộ để làm.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp với thành phố thực hiện một số chương trình công tác lớn trong giai đoạn tới như: Đầu tư kết cấu hạ tầng; chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển các mô hình kinh tế đô thị; phát triển khoa học công nghệ để Hà Nội thực sự là trung tâm lớn của cả nước và hướng tới dẫn đầu Đông Nam Á; đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác thống kê trên địa bàn TP...

“Hà Nội sẵn sàng đăng cai, phối hợp với Bộ KH&ĐT cùng tổ chức các diễn đàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. TP cũng sẵn sàng phối hợp với Bộ KH&ĐT và đăng ký thử nghiệm” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

 TP Hà Nội và Bộ KH&ĐT ký kết quý chế hợp tác trong thời gian tới

Đối với công tác thu hút đầu tư, Bí thư Thành ủy cho biết, TP nên nghiên cứu để thành lập Tổ đảm nhiệm việc thu hút vốn FDI trong tình hình tới nhằm rà soát lại cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đồng thời, bám sát Tổ đặc biệt của Thủ tướng để thu hút FDI về cho TP. Dự kiến trong khoá tới, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành 10 chương trình công tác toàn khoá, trong đó có nhiều nội dung TP rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ KH&ĐT cả về xây dựng nội dung cũng như tổ chức thực hiện.