Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng: Thúc đẩy phối hợp trong xây dựng, quản lý, phát triển đô thị

Trần Long - Doãn Thành - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị của TP Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần phối hợp thúc đẩy triển khai trong năm 2020, những năm tiếp theo. Đây là cuộc làm việc thứ 7 trong kế hoạch làm việc với 8 bộ, ngành T.Ư của Hà Nội nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của TP trong giai đoạn tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP phụ trách, điều hành hoạt động của UBND TP Nguyễn Văn Sửu, các đồng chí lãnh đạo Bộ Xây dựng, TP Hà Nội.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.
Tích cực triển khai khâu đột phá về phát triển hạ tầng đô thị 
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP, Hà Nội đã tích cực triển khai khâu đột phá về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn giai đoạn 2016-2020”.
Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã triển khai Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020”. Đây là 1 trong 8 Chương trình công tác lớn của Thành ủy. Trên cơ sở đó, Thành ủy ban hành nhiều chuyên đề, văn bản để tổ chức thực hiện. 
Theo Bí thư Thành ủy, qua 5 năm thực hiện, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh, khang trang, hiện đại hơn. Đi trên đường phố Hà Nội có nhiều đô thị hiện đại, phố xá sạch sẽ hơn. Nhiệm kỳ vừa qua TP đã trồng mới 1,6 triệu cây xanh trên Kế hoạch chỉ 1 triệu cây. Ngoài ra, nhiệm kỳ trước thì số vụ việc vi phạm xây dựng chiếm 18% nhưng nhiệm kỳ vừa qua đã giảm xuống còn 3%. Có được kết quả này là nhờ TP đã triển khai thí điểm mô hình Đội Quản lý đô thị trực thuộc các UBND quận, huyện. Sắp tới, TP sẽ trình để xin Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai mô hình này. Kết quả chung đó có sự hướng dẫn, giúp đỡ thường xuyên, thiết thực của Chính phủ, các bộ ngành, nhất là Bộ Xây dựng. 
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội là đô thị đặc biệt đang trong quá trình phát triển, tỉ lệ đô thị hóa rất nhanh. Theo dự báo thì tốc độ đô thị hóa thời gian tới sẽ rất nhanh. Trong nhiệm kỳ tới, theo kế hoạch có ít nhất 5 quận nằm trong quy hoạch phát triển đô thị. “Mục đích cuộc họp hôm nay không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà từ đó TP bổ sung vào xây dựng Báo Cáo chính trị cho sự phát triển của Thủ đô trong nhiệm kỳ tới là giai đoạn xa hơn” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng trình bày báo cáo hợp tác tại hội nghị.
83% đồ án quy hoạch được phủ kín
Báo cáo kết quả hợp tác do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng trình bày cho thấy, đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị: Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP đã phê duyệt 59/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83% và theo diện tích là 86%. TP đã phê duyệt nhiệm vụ và tập trung triển khai lập quy hoạch các đồ án trọng điểm gồm: Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Bát Tràng (huyện Gia Lâm).
TP đã phê duyệt khoảng 216 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng với tổng diện tích khoảng trên 14.116ha. Một số đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng đã hoàn thành gồm: Tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài, Nhà tang lễ Quốc gia, Công viên nghĩa trang huyện Mỹ Đức…. Tổ chức triển khai xây dựng 35 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, bao gồm: 5 quy chế đặc thù, 13 quy chế quận, thị xã và 14 quy chế thị trấn (đã thẩm định, hướng dẫn 8/14 quy chế). Đầu năm 2020, đã banh hành 1 quy chế quản lí quy hoạch kiến trúc quận. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai lập quy hoạch 30 khu chung cư cũ; Lập quy hoạch chi tiết 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 272,45ha và dự kiến cung cấp thêm 1,2triệu mét vuông sàn nhà ở khi hoàn thành.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với một số dự án đang triển khai. Phát triển loại hình nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng; tập trung thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2020. Đến nay, đã có trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và nâng diện tích nhà ở bình quân đến hết năm 2019 đạt 27,09 m2/người; dự kiến hết năm 2020 đạt 27,25m2/người (vượt chỉ tiêu chương trình phát triển nhà ở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Đã hoàn thiện Đề án cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ báo cáo Bộ Xây dựng theo quy định Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ chức thực hiện kiểm định 33 công trình nhà chung cư cũ; chỉ đạo rà soát, lập danh mục kiểm định các nhà chung cư cũ giai đoạn 2020-2022 (dự kiến 177 công trình).
 Quang cảnh hội nghị.
Kiện toàn hạ tầng đô thị
Nhằm đảm bảo công tác quản lý, duy tu hệ thống hạ tầng đô thị, TP Hà Nội đã trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường phát huy hết công suất các nhà máy nước đã đi vào hoạt động đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho Nhân dân.
Xây dựng quy hoạch điều chỉnh cục bộ Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 lưu vực S3. Hoàn thành dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội - dự án 2. Tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch: Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; Thu gom, xử lý nước thải khu vực các quận và lưu vực S3 để bổ cập nước sạch cho sông Tô Lịch. Qua đó đã đảm bảo phát huy tốt hiệu quả thoát nước chống ngập, úng. Thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường 90/125 hồ nội thành.
Ngoài ra, TP cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày tại Nam Sơn, Sóc Sơn; khẩn trương chuẩn bị đầu tư các dự án 1.500 tấn/ngày tại Xuân Sơn, Sơn Tây và 1.500 tấn/ngày tại Đồng Ké, Chương Mỹ. Hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu trồng 1 triệu cây xanh; tiếp tục trồng thêm 600.000 cây năm 2019 - 2020. TP đã thực hiện được 146/253 tuyến hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực, nâng số tuyến hạ ngầm giai đoạn 2016-2020 lên 336 tuyến. Thành phố tiếp tục ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong công tác hạ ngầm khoảng 300 tuyến với 5 Tập đoàn, Tổng công ty để thực hiện giai đoạn 2021-2025.
Tỷ lệ chiếu sáng trên 98%, thực hiện thay thế đèn chiếu sáng bằng công nghệ LED tiên tiến hiện đại, tăng độ chiếu sáng, tiết kiệm điện năng trên các tuyến phố trung tâm đạt 18% số lượng đèn, 14% tuyến phố. Đang tiếp tục mở rộng đầu tư, thay thế đèn LED dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 1.800 bộ đèn.

Tăng cường công tác phối hợp giữa hai đơn vị

Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến Bộ Xây dựng đều thống nhất với những đề xuất của Hà Nội về tạo cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong cải tạo chung cư cũ; việc phải có giải pháp đột phá để nâng cao số tầng các toà nhà xây dựng chung cư cũ để thu hút nhà đầu tư và cho phép thực hiện dự án khi có từ 70-80% dân số đồng ý…

Trong khi đó, mặc dù bày tỏ thống nhất, đánh giá cao 15 nội dung dự kiến tăng cường phối hợp giữa Bộ Xây dựng và UBND TP trong thời gian tới, song Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị nên tập trung lựa chọn một số vấn đề cấp thiết để thực hiện. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng và UBND TP tập trung triển khai phối hợp giải quyết ngay trong thời gian tới.

Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn thực hiện quy chuẩn mới về PCCC có hiệu lực từ ngày 1/7/2020; hỗ trợ TP đi trước về công tác quy hoạch tại các huyện, xã chuẩn bị lên quận, phường; giúp đỡ tháo gỡ vấn đề cải tạo các trường học bằng cách nâng tầng khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất ở 4 quận nội đô. Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, Bộ sớm phê duyệt thủ tục tạo điều kiện cho TP triển khai kịp thời việc sửa chữa, cải tạo Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô phục vụ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Giảm 50% thời gian xử lý thủ tục xây dựng

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế - xã hội của Hà Nội vẫn đạt tốc độ tăng trưởng mặc dù có thấp hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% mục tiêu đề ra và những công trình trọng điểm tiến độ triển khai nhanh.

“Bộ Xây dựng đánh giá cao về tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng và tán thành đánh giá của Thành ủy Hà Nội trong văn kiện Đại hội Đảng về công tác xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị trong thời gian qua cũng như kế hoạch phát triển trong thời gian tới” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã trở thành đô thị đứng thứ 30 trong số 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Những vấn đề về phát triển hạ tầng đô thị tạo ra thách thức lớn đối với chính quyền TP. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đưa ra một số góp ý liên quan đến công tác quản lý xây dựng.

Cụ thể, về công tác quy hoạch, TP cần chú ý khẩn trương điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011. Bởi sau một thời gian triển khai đã xuất hiện những yếu tố mới cần phải có sự điều chỉnh lại. Đề nghị TP Hà Nội sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Thủ đô, đặc biệt là Điều 8 Luật Thủ đô có quy định việc thực hiện đồ án quy hoạch Thủ đô do Thủ tướng trình Quốc hội vì vấn đề này sẽ phức tạp và kéo dài thời gian. Trong quá trình quy hoạch đô thị và nông thôn thì vấn đề quy hoạch nông thôn phức tạp và khó khăn hơn nên đề nghị Hà Nội khi nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô thì cần phải đưa vấn đề quy hoạch nông thôn vào triển khai.

Đối với mô hình phát triển đô thị, sau 10 năm phát triển thì mô hình “chùm đô thị” đó là đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm đã bộc lộ những hạn chế về hiệu quả sử dụng đất, sử dụng nguồn lực, chưa đáp ứng về gia tăng dân số nhanh và chưa giải quyết được vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nên cần phải có sự thay đổi về mô hình cho phù hợp. Ngoài ra, cần phải có sự thay đổi về tổ chức không gian đô thị như việc phát triển công trình ngầm của đô thị. Hiện nay vấn đề ngầm hóa công trình cần phải luật hóa nhưng chưa có luật thì sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của Hà Nội và TP Hồ Chi Minh để thực hiện.

Về vấn đề nhà ở, với tốc độ dân số tăng nhanh hiện nay thì thời gian qua chỉ số phát triển nhà ở của Hà Nội cũng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn người có nhà nhưng bán kiên cố mặc dù tỷ lệ này cũng thấp nhất cả nước. Từ đó, trong nhiệm kỳ tới thì Hà Nội cần xóa sạch nhà ở đơn sơ, bán kiên cố. Đối với nhà tập thể, chung cư cũ, Hà Nội đang có 1.579 khu nhà chung cư cũ, đã có một số nhà đầu tư vào tham gia đầu tư nhưng vấn đề vướng mắc duy nhất là Luật và Thông tư, Nghị định. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đề nghị, vướng về Thông tư, Nghị định thì đề xuất sửa đổi và những vướng mắc về Luật thì xin cơ chế đặc thù để thí điểm.

Đối với các khu nhà ở xã hội tập trung, thời gian qua, Việt Nam chưa hình thành khu nhà ổ chuột vì hiện nay nhà ở xã hội đang thực hiện phân tán 20% đan xen với các khu nhà ở thương mại khác. Việc Hà Nội thực hiện triển khai khu nhà ở xã hội tập trung cần nghiên cứu kỹ mô hình quản lý vì nếu dồn tất cả những người có thu nhập thấp vào một khu nhà tập trung sẽ dễ dẫn đến nguy cơ hình thành các khu nhà ổ chuột.

Trong vấn đề hạ tầng kỹ thuật, thời gian gần đây, Hà Nội đã phát triển hệ thống giao thông kết nối, như: các tuyến đường vành đai, đường cao tốc... Nhưng diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội còn thấp vì hạ tầng giao thông quyết định sự phát triển của xã hội, TP nên dành chỉ tiêu mới về đất đai cho hạ tầng giao thông.

Còn trong vấn đề kiến trúc, TP cần đẩy mạnh thực hiện thiết kế đô thị tại một số khu vực như: hai bên sông Hồng, trục Láng – Hòa Lạc, trục Hồ Tây, nhất là khu vực 2 bên bờ sông Hồng. Tuy nhiên, việc này còn gặp khó do Luật đê điều, phòng chống thiên tai. Nhưng thực tế nếu không thực hiện thì người dân vẫn lấn chiếm để xây dựng sẽ gây ra khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, trong quá trình thực hiện thì lồng ghép các chương trình của Bộ NN&PTNT để tạo ra một quỹ đất mới cho quá trình phát triển đô thị và tạo điểm nhấn về kiến trúc cho Thủ đô.

Đối với đề xuất những vấn đề phối hợp giữa Bộ Xây dựng và TP Hà Nội trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, trong thời gian qua việc phối hợp giữa hai cơ quan có nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết hiệu quả, chưa kịp thời. Vì vậy, việc phối hợp trong thời gian tới sẽ thực hiện theo 3 hướng đó là: Tập trung giải quyết những vấn đề lớn; Tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội trong việc thực hiện thẩm quyền giải quyết thủ tục xây dựng; Đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

“Bộ Xây dựng cam kết sẽ giảm 50% thời gian giải quyết công việc theo quy định khi có những đề xuất, kiến nghị của Hà Nội đối với Bộ Xây dựng” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Đổi mới toàn diện về quy hoạch để phát triển nhanh, bền vững

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, định hướng lớn của Hà Nội trong thời gian tới đối với lĩnh vực xây dựng là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quy hoạch nhằm phát triển nhanh, bền vững. Do vậy, TP rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Xây dựng và các bộ ngành có liên quan.

 Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Xây dựng ký kết Quy chế phối hợp trong giai đoạn tiếp theo

Theo Bí thư Thành ủy, quy hoạch là vấn đề quan trọng nhất và nhiệm vụ cấp bách là rà soát điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và theo Luật Quản lý quy hoạch 5 năm có thể rà soát sửa đổi nhưng đến nay đã 10 năm có rất nhiều thứ thay đổi từ luật pháp đến tư duy, tầm nhìn. Bên cạnh đó, những quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn cần lưu ý gắn với các tiêu chí đô thị. Bởi thực tế, những huyện về đích nông thôn mới sớm nhất nhưng khi đặt mục tiêu lên quận lại khó hơn các huyện đạt chuẩn nông thôn mới sau. Về quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đáy, sau khi Hà Nội mở rộng, thì diện tích khu vực này rất lớn nếu quy hoạch được sẽ là nguồn lực lớn để phát triển đô thị và giải quyết được sinh kế cho người dân.

Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành ủy cho biết, từ năm 2012, dù TP đã có nhiều phương án, đề án nhưng hiện vẫn đang vướng. Chủ yếu do quy định luật làm sao bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư - người dân - công tác quản lý Nhà nước. Từ đó, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trình Chính phủ, Thủ tướng giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền. “Nếu không hành động thì rất khó tiến triển” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, những nội dung liên quan đến quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị, phát triển nhà ở xã hội. Về chỉ đạo của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng sẽ giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho Hà Nội, Bí thư Thành ủy đánh giá cao và trân trọng cảm ơn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị của Hà Nội cũng cần phải chủ động, đeo bám công việc và cùng tham gia với Bộ Xây dựng để đạt hiệu quả.