Nghị quyết này nhấn mạnh tất cả các bên đều phải nhất trí rằng xung đột ở Biển Đông chỉ có thể được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế. Việc cố gắng giải quyết dựa trên những tuyên bố lịch sử tay đôi sẽ chỉ dẫn tới những bất đồng triền miên, gây căng thẳng và trở thành nguy cơ của bạo lực. Trên cơ sở đó, Nghị quyết đề nghị tất cả các bên kiềm chế trong hành động để tránh các tranh chấp leo thang hoặc trở nên phức tạp hơn, gây mất ổn định trong khu vực. Các bên cũng cần kiềm chế việc đưa dân tới các đảo, bãi đá, bãi cạn và cùng giải quyết những khác biệt trên tinh thần xây dựng.
Nghị quyết nêu rõ, tất cả các bên có tranh chấp tại khu vực này cần phải công nhận một số nguyên tắc như: Đàm phán song phương không thể giải quyết được khác biệt do tuyên bố chủ quyền của các nước chồng chéo lên nhau. Chỉ bằng cách hợp tác theo cơ chế đa phương, tốt nhất là có trung gian hòa giải thứ ba hoặc trọng tài, những thách thức của biển Đông mới giải quyết một cách công bằng và toàn diện. Theo đó, ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng tiến tới hoàn tất và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm giải quyết các tranh chấp trước khi các căng thẳng gia tăng hơn nữa. Nghị quyết cũng khẳng định
Như vậy, việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự thảo Nghị quyết về Biển Đông chỉ 10 ngày sau khi 6 Thượng Nghị sĩ Jim Webb, John Kerry, Richard Lugar, John McCain, Joe Lieberman và James Inhofe đệ trình hôm 23/7, cho thấy Washington không chấp nhận đứng ngoài lề cuộc chơi tại khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng này. Trước đó, nhằm hiện thực hóa chiến lược gia tăng sự hiện diện tại châu Á, trong vòng 2 tháng qua, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức hai cuộc điều trần về việc tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Ngay trong phiên điều trần hôm 23/5, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định, việc Mỹ đến nay vẫn chưa tham gia UNCLOS đã làm suy yếu sự ủng hộ đối với các đồng minh trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông đang bị đe dọa bởi tham vọng chủ quyền của Trung Quốc. Đặc biệt, tại phiên điều trần này, lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ đã công khai cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã vượt quá những gì UNCLOS cho phép.
Trong phiên điều trần thứ 2 diễn ra hồi tháng 6, Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel Locklear cho rằng, do khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục trỗi dậy, ngày càng nhiều đòi hỏi chủ quyền trên biển chồng chéo, nhất là Biển Đông, do vậy tham gia UNCLOS, Mỹ sẽ khích lệ các bên giải quyết tranh chấp bằng hòa bình dựa trên luật pháp. Công ước UNCLOS cũng sẽ hỗ trợ pháp lý quan trọng cho các đối tác vận tải hàng không dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ.