95 năm ngày thành lập đảng

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 10/2, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sắp tới.

Trình bày Tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có nhiều Nghị quyết, Kết luận về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng. Trong đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII đã yêu cầu phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư Dự án trong năm 2025, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường thứ 9 xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư, một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai dự án.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh báo cáo tại Phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh báo cáo tại Phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Mục tiêu là xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng bảo đảm kết nối hiệu quả mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu, Chính phủ đề xuất áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, trong đó có 15/19 cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 và đề xuất bổ sung 4 cơ chế, chính sách khác.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện. Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km.

Địa điểm thực hiện dự án tại 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Quy mô đầu tư là xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa, đường đơn, khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa; đoạn tuyến chính tốc độ thiết kế 160km/h; đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120km/h; các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80km/h.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632ha. Hình thức đầu tư là đầu tư công. Tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (8,369 tỷ USD). Nguồn vốn gồm ngân sách Nhà nước cấp Trung ương và địa phương; nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về tiến độ thực hiện, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2030.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do thực tiễn đã được nêu tại tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn việc chuyển giao công nghệ, vận hành, khai thác dự án sau khi hoàn thành để tránh việc phụ thuộc công nghệ và việc xây dựng dự án đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, quốc phòng, an ninh.

Về hướng tuyến, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu bảo đảm việc kết nối của dự án với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và giảm thiểu tác động tiêu cực do thu hồi đất phục vụ dự án đối với doanh nghiệp và người dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau. Cùng với đó, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho dự án thì việc Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ cơ bản đồng tình về sự cần thiết trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội đề nghị khảo sát, chuẩn bị kỹ việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; bố trí các ga kết nối với hạ tầng khu vực; cập nhật định mức đơn giá; công nghệ; bảo vệ môi trường… để tránh kéo dài, đội vốn, lạc hậu sau này gây lãng phí. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm đảm bảo các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia.

Sau thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự kiến khai mạc ngày 12/2.