Xác định giá đất vẫn “chưa hợp lý”
Theo nhận định của các thành viên UBTVQH, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình lần này đã có sự điều chỉnh, bổ sung ở nhiều điều khoản. Trong đó, Chính phủ đưa ra hai phương án về khung giá đất: UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%, trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng. Hoặc bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: Nếu thực hiện phương án thứ nhất, sẽ xảy ra hiện tượng Nhà nước chạy theo thị trường, sẽ gây khó khăn, vất vả cho cơ quan tham gia định giá. Còn ở phương án thứ hai, 5 năm mới thay đổi một lần lại quá lâu. Vì vậy, cần đưa ra phương án tối ưu hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị xem lại quy định cụ thể việc áp dụng phương pháp định giá đất đối với từng loại đất và nên giao Chính phủ thực hiện. Với nhận định: Quy định một giá đất dùng cho 7 chức năng khác nhau như Luật cũ không ổn, mà phương án của Dự thảo Luật đưa ra lần này cũng chưa được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc căn cứ xác định giá đất phải dựa vào mục đích sử dụng, kết quả sinh lời của đất tại thời điểm đó và làm rõ với từng phương án giá.
Bồi thường phải đảm bảo quyền lợi của dân
Liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc bồi thường cần tính toán làm sao để đến chỗ ở mới, người dân phải có điều kiện sống tối thiểu bằng chỗ ở cũ. Đồng thời cần đưa nguyên tắc hỗ trợ thu hồi đất như dựa vào thời điểm nào, trước hay sau khi dự án tiến hành GPMB.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Dự thảo Luật làm rõ thời điểm xác định giá đền bù, vì đây là vấn đề gây ra nhiều khiếu kiện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật để đạt được các yêu cầu đề ra, đặc biệt với những phần còn nhiều ý kiến khác nhau. Tránh tình trạng, Luật ra đời, sau đó lại phải có mấy chục Nghị định, Thông tư hướng dẫn theo sau. Nếu đến kỳ họp tháng 5 tới mà thấy chưa yên tâm, sẽ trình Quốc hội để lại kỳ họp sau mới thông qua được.
Sau Phiên họp thứ 14, UBTVQH sẽ ra Nghị quyết đồng ý về mặt nguyên tắc và giao Chính phủ chủ trì việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến từ ngày 1/2 và kết thúc vào ngày 31/3. Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo Luật sẽ được tổ chức rộng rãi trên cả nước.
Cùng ngày, UBTVQH cũng xem xét những điểm còn khác nhau của Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Dự thảo Luật Phòng chống giảm nhẹ thiên tai.