Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủy điện nhỏ, hồ chứa nước tác động lớn đến môi trường: Vấn đề bức thiết

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ đề thủy điện nhỏ, hồ chứa nước với tác động lớn tới tài nguyên và môi trường, nhất là những thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung do thiên tai, bão lũ thực sự làm “nóng” nghị trường Quốc hội những ngày qua.

Nhiều quan điểm, tranh luận được đưa ra, nhưng tựu chung đều mong muốn có được một cái nhìn thấu đáo, để có giải pháp, tránh hoặc hạn chế những mặt tiêu cực không đáng có.
Như phân tích của các ĐB từ nghị trường có thể thấy, những lo lắng về việc phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ, trong khi chưa có rào cản tích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao có thể dẫn tới một số hậu quả trong phá vỡ sinh kế và mất rừng không phải không có căn cứ. Có ĐB đã phân tích, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm kỹ thuật.
“Nói đến thủy điện, các nhà chuyên môn nghĩ đến thủy lực, tổ chức dòng chảy, phân nước để tránh thiệt hại cho Nhân dân. Nhưng đáng tiếc, một số chủ đầu tư nhà máy thủy điện lạm dụng quy trình để trục lợi, thông qua phá rừng lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên, rất đáng bị lên án”- một ĐB đã nói. Bởi thế, dù ít dù nhều, bên cạnh lợi ích kinh tế, năng lượng, hoạt động của thủy điện nhỏ có tác động đến quá trình phát triển bền vững, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, trong khi việc trồng rừng thay thế rừng tự nhiên là rất khó.

Dù trước Quốc hội, Bộ Công Thương đã khẳng định, “sẽ tăng cường quản lý hiệu quả thủy điện, giảm bớt tác động thiên tai. Tục siết chặt quản lý phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường”, nhưng các ĐB vẫn thấy nhiều lo lắng. Vậy nên, rất cần sự đánh giá về mỗi dự án thủy điện cần khách quan, nhiều chiều. Bởi đúng như ĐB đã khách quan phân tích, “không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện, nhưng một dòng sông chịu được bao nhiêu thủy điện? Nếu dòng sông này chịu được 3 thủy điện mà cho làm 8 thủy điện thì sẽ khác”. Nhìn về phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều chuyên gia, người dân cũng tán đồng rằng, việc cấp bách, vẫn cần ưu tiên cao nhất cho việc kiểm soát quy trình vận hành, đặc biệt là xả lũ của các hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi và công tác thông tin xả lũ đến người dân. Đồng thời, nên xem xét tạm dừng để đánh giá rủi ro thủy điện nhỏ vẫn đang trong quy hoạch và chuẩn bị xây dựng. Cùng với đó, ông tác trồng rừng và phục hồi rừng cần được rà soát lại, đặc biệt về mặt chất lượng rừng

Quả thật, chúng ta cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng với từng dự án, công trình thủy điện cụ thể. Những thủy điện liên quan đến đất rừng phải được Quốc hội thông qua, để cân nhắc kỹ lưỡng, không vì phát triển kinh tế mà hủy hoại môi trường. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần rà soát, đánh giá lại việc phân cấp quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa thủy điện hợp lý và hiệu quả, bởi hiện quy trình, quy định đã rõ ràng, nhưng có nơi thực hiện chưa đúng. Hơn thế nữa, tăng cường kiểm tra, giám sát và thậm chí là xử lý rất nặng những vi phạm đối với dự án lạm dụng thủy điện để phá rừng, ảnh hưởng đến môi trường. Theo dõi những tranh luận trên nghị trường, người dân mong muốn, mặt trái của thủy điện nhỏ sẽ được nhìn nhận rõ và hạn chế tối đa.