Thụy Ứng giàu lên từ tái chế sừng trâu, bò

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Thụy Ứng thuộc xã Hòa Bình, huyện Thường Tín từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm lược sừng truyền thống.

Ngày nay, sản phẩm của làng nghề không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được xuất sang cả nước ngoài.

Công phu chế tác

Ngay từ những ngày đầu năm mới sau Tết Nguyên đán, người dân Thụy Ứng đã bắt tay vào công việc trong các xưởng sản xuất. Nghề làm lược sừng của làng đã có truyền thống hơn 400 năm nay. Cũng có thời điểm sản xuất của làng nghề bị trầm xuống. Nhưng rồi với khả năng sáng tạo, người dân Thụy Ứng đã lưu giữ và phát triển thành nghề chủ lực, đem về thu nhập chính cho người dân địa phương trong những năm gần đây. Nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn mỗi tháng thu về hàng trăm triệu đồng và trở thành những tỷ phú của làng. 
Các em nhỏ cũng có thể tham gia thực hiện một số công đoạn sản xuất sừng tại xưởng của gia đình.
Các em nhỏ cũng có thể tham gia thực hiện một số công đoạn sản xuất sừng tại xưởng của gia đình.
Từ những chiếc sừng trâu, sừng bò qua bàn tay chế tác tài hoa của người thợ đã tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ vô cùng hữu ích và đẹp mắt. Để hoàn thiện một sản phẩm, người thợ phải trải qua trên 30 công đoạn, từ pha chế sừng, hơ ép, réo thành khuôn rồi cắt răng, chà lát, đánh bóng…, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo và kỳ công. Ông Trần Văn Thùy kể: “Làm sừng rất khó bởi mỗi chiếc mỗi khác, người thợ phải tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, pha, cắt… cho phù hợp. Khó nhất là khâu lấy phôi. Nếu ngay từ khâu lấy phôi không chuẩn, chiếc lược sẽ bị biến dạng và mất dáng”. 

Các sản phẩm được làm từ sừng của làng nghề đã có mặt ở khắp nơi trong cả nước, đặc biệt là ở các khu du lịch, khu mua sắm, giải trí, và được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trung bình mỗi chiếc lược sừng được bán với giá từ 20.000 đến vài trăm ngàn đồng tùy loại. Người thợ Thụy Ứng còn sáng tạo ra vô số sản phẩm khác như thìa, đĩa, đồ trang sức, các loại tranh ảnh… từ sừng, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Mong chờ quy hoạch

Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Hiện nay, 98% người dân Thụy Ứng tham gia làm nghề. Đời sống của người dân vì thế được nâng cao, mức thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 đạt trên 27 triệu đồng. Ngoài ra, làng nghề còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương và gần 1.000 lao động ở các địa phương khác, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Để khuyến khích làng nghề phát triển, chính quyền xã Hòa Bình luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để những hộ sản xuất hoạt động. Xã thường xuyên hỗ trợ quảng bá sản phẩm, cam kết xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện vay vốn mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề hiện đang là trăn trở của chính quyền và nguời dân. Do số hộ tham gia làm nghề đông, lại sản xuất tại khu dân cư nên hàng ngày một lượng bụi lớn đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân và bầu không khí cũng như nguồn nước. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, người dân đã chủ động trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, xây hầm hút bụi, tuy nhiên giải pháp này cũng không mấy hiệu quả.

Để hạn chế ô nhiễm môi trường, yêu cầu cấp thiết hiện nay là địa phương sớm có điểm công nghiệp làng nghề để người dân yên tâm phát triển sản xuất, đưa làng nghề ngày càng phát triển bền vững. Ngoài ra, để khai thác được tiềm năng du lịch làng nghề, địa phương cũng cần được sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông, tạo điều kiện thuận tiện cho khách du lịch về tham quan làng nghề.           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần