Xu hướng mới trong bối cảnh dịch Covid-19
Những năm gần đây, các đơn vị quản lý di tích tại Hà Nội, trong đó có Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long… đang áp dụng nhiều hình thức phong phú để đưa các nội dung quảng bá hình ảnh, phát huy giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ, phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách. Trong đó, hệ thống thuyết minh tự động (audioguide) đang trở nên phổ biến. Theo trợ lý giám đốc tại Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) Trương Quốc Toàn: Sau dịch Covid-19, khi di tích mở cửa trở lại, thuyết minh tự động được tích hợp trong các thiết bị thông minh sẽ trở thành xu hướng được nhiều du khách sử dụng. Với phương thức này, người tham quan có thể chủ động tìm hiểu về di tích, đảm bảo giãn cách phòng, chống Covid-19.
|
Thuyết minh làm việc tại Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa. Ảnh: Lại Tấn. |
Thực tế hiện nay tại các di tích, đội ngũ thuyết minh viên không nhiều. Chính vị vậy, nhiều thời điểm, số lượng thuyết minh viên không đáp ứng được nhu cầu được các đoàn khách tham quan. Nhưng, dịch vụ audioguide có thể phục vụ cùng một lúc hàng chục, thậm chí hàng trăm đoàn, chỉ cần trang bị đủ số lượng thiết bị và đáp ứng nhu cầu thuyết minh bằng nhiều ngôn ngữ. Đơn cử tại Văn Miếu, đội ngũ hướng dẫn cung cấp dịch vụ thuyết minh bằng 4 thứ tiếng gồm: Tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc nhưng audioguide có thể cũng cấp 8 thứ tiếng và dễ dàng nâng cấp, bổ sung theo yêu cầu của khách.
Cùng với đó, audioguide có thể tích hợp vào nhiều nền tảng tham quan trực tuyến. Ví dụ như tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sử dụng phần mềm imuseum, vừa có tính năng thuyết minh, vừa có tính năng cung cấp chuyến tham quan online, truy cập vào kho dữ liệu.
Tồn tại bền vững Với sự phát triển của công nghệ, audioguide sẽ ngày càng tích hợp nhiều chức năng hơn, cho dù vậy thì hướng dẫn viên vẫn có vai trò và chỗ đứng riêng. Bởi, thuyết minh trực tiếp luôn có những lợi thế mà công nghệ số chưa thể có được. Theo Trưởng phòng Giáo dục truyền thông – Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà: Nhiều đoàn khách vẫn thích được thuyết minh bởi hướng dẫn viên do khách không chỉ được nghe thuyết minh mà còn được tương tác, trò chuyện đặt câu hỏi với hướng dẫn viên trong suốt quá trình tham quan. Hướng dẫn viên không dùng một bài thuyết minh chung cho tất cả các đối tượng khách. Tùy vào từng đối tượng khách như căn cứ về độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, quốc tịch, vùng miền để đưa ra những nội dung thuyết minh phù hợp, chọn nội dung mà đối tượng khách quan tâm. Nhờ đó, bài thuyết minh sẽ trở lên hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, đội ngũ thuyết minh có thể đáp ứng được nhiều yêu cầu của khách tham quan tại di tích. Chẳng hạn như tùy vào quỹ thời gian du khách mong muốn lưu lại di tích để linh hoạt sắp xếp nội dung, độ dài ngắn của bài thuyết minh. Có những du khách chỉ có 20 phút tham quan, có những du khách có thời gian tới 2 tiếng ở di tích, và muốn tìm hiểu tất cả những nội dung thông tin.
“Nhiều khách tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng khách lại hỏi về nghề truyền thống làm gạch Bát Tràng, tham quan điện Đại Thành khách lại hỏi tín ngưỡng của người Việt Nam. Du khách đặt nhiều câu hỏi như: Tại sao lại thắp hương trên ban thờ? Tại sao lại đặt đồ mặn, hoa quả lên ban thờ vào một số ngày trong tháng, tục đốt vàng mã; rồi vấn đề sử dụng lịch âm, lịch dương như thế nào? Chế độ sinh hai con đối với mỗi gia đình Việt Nam… Để trả lời được những câu hỏi đó đòi hỏi hướng dẫn viên phải luôn trau đồi kiến thức văn hóa, lịch sử, xã hội” – chị Đường Ngọc Hà chia sẻ.
Mặt khác, trong những năm gần đây, nhằm cung cấp cơ hội học tập chủ động với nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách, nhiều bảo tàng, di tích đã xây dựng các chương trình giáo dục di sản dành cho khách tham quan, nhất là đối tượng các em học sinh. Thông thường, nhiệm vụ này do bộ phận thuyết minh đảm nhiệm. Như vậy hướng dẫn viên cũng chính là cán bộ giáo dục. Các hướng dẫn viên đã tự mình hướng đến trở thành vừa là người cố vấn, vừa là người hỗ trợ, khuyến khích học sinh, du khách. Họ là nhân tố tạo nguồn hứng khởi, là chỗ dựa tin cậy cho học sinh.
“Với vai trò trên nên chúng tôi bên cạnh việc cần nắm chắc nội dung, giá trị của di tích, còn có khả năng nghiên cứu, khai thác thông tin về mọi mặt, cần nắm được chương trình đào tạo của nhà trường, có kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, các trò chơi, thiết kế các chương trình trải nghiệm có ứng dựng công nghệ. Điều này đòi hỏi hướng dẫn viên kiêm cán bộ giáo dục sử dụng thành thạo công nghệ (thực tại ảo, 3D), sử dụng thành thạo các phầm mềm để sáng tạo ra các hoạt động trải nghiệm thú vị” - Trưởng phòng Giáo dục truyền thông – Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà cho biết.
Niềm vui với nghềThuyết minh tại các di tích được xem như những “đại sứ văn hóa” – những người gắn kết các giá trị văn hóa, lịch sử từ quá khứ tới hiện tại nhằm tạo sức hấp dẫn cho du khách thập phương, gắn kết du khách cùng giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hoá tại điểm đến.
Hướng dẫn viên văn hoá – Ban Quản lý di tích Cổ Loa Nguyễn Thị Thuý Nga chia sẻ: “Tôi rất tự hào được sinh ra trên mảnh đất địa linh nhân kiệt (mảnh đất đã 2 lần được chọn làm kinh đô của nước Việt), mỗi lần thuyết minh xong về di tích là một lần tôi được bày tỏ lòng tri ân tới các bậc tiền nhân, tự hào khi được hướng dẫn giới thiệu cho du khách hiểu thêm về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của đức vua An Dương Vương và sự nghiệp xưng vương và định đô tại Cổ Loa của đức vua Ngô Quyền. Đó là niềm vui lớn nhất đối với tôi”.
17 năm làm công tác hướng dẫn thuyết minh tại di tích, Trưởng phòng Giáo dục truyền thông – Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà cũng còn nhớ nhiều kỷ niệm với nghề: Tôi nhớ kỷ niệm khi thuyết minh cho đoàn khách học sinh lớp 7 đến từ TP Hải Phòng, trong suốt chuyến tham quan, các em rất chăm chú lắng nghe, liên tục đặt câu hỏi và rất hào hứng trả lời các câu hỏi mà tôi đưa ra cho các em. Kết thúc chuyến tham quan, các em tỏ ra quyến luyến và có bạn nói: Con ước gì cô là cô giáo dạy lịch sử của lớp con. Hay có đồng nghiệp của tôi sau khi đi thuyết minh cho một cặp vợ chồng người Úc, từ năm 1998 cho đến nay, cứ 2 năm một lần, hai ông bà cũng sang thăm Việt Nam và vào Văn Miếu để gặp cô hướng dẫn.
Có thể nói, đội ngũ thuyết minh tại các di tích của Hà Nội luôn tâm huyết, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu tìm hiểu của du khách đến Thủ đô. Chính sự nỗ lực, trách nhiệm của mỗi “đại sứ văn hóa” đã góp phần tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa, lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến.