Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỉ giá, lãi suất, thiếu vốn… “bao vây” doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi ngành giấy đang rất thiếu vốn để đầu tư cho dây chuyền sản xuất thì khối doanh nghiệp may mặc lại lo lắng khi giá nguyên liệu nhập khẩu thế giới tăng mạnh cộng thêm áp lực từ thay đổi tỷ giá…

KTĐT - Trong khi ngành giấy đang rất thiếu vốn để đầu tư cho dây chuyền sản xuất thì khối doanh nghiệp may mặc lại lo lắng khi giá nguyên liệu nhập khẩu thế giới tăng mạnh cộng thêm áp lực từ thay đổi tỷ giá…

Tại cuộc giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương, đại diện ngành dệt  may cho biết: Dệt may xuất khẩu là một trong những ngành kinh tế trọng điểm. Hiện nay trên cả nước có khoảng 18.000 lao động trong ngành dệt may, tập trung chủ yếu ở miền Trung.

Tình hình lao động dệt may sang năm nay khá ổn định về số lượng. Điều này được thể hiện ở việc sau tết Nguyên Đán, số công nhân lao động đều quay trở lại nhà máy làm việc, không có hiện tượng đình công, bỏ việc như nhiều năm trước do đã có sự cải thiện chế độ tiền lương.

Nhưng bên cạnh thuận lợi về nhân công thì ngành dệt may từ cuối năm 2010 bước sang năm 2011 đã gặp phải thách thức về giá cả nguyên liệu đầu vào do giá nguyên liệu thế giới bất ổn.

Giá bông nhập vào từ 3,18 USD/kg tăng lên 4,8 USD/kg, có thời điểm tăng mạnh nhất là 5,2 USD/kg bông. Bên cạnh đó là tỷ giá biến động mạnh khiến doanh nghiệp gặp rủi ro và thiệt hại lớn khi đơn giá hợp đồng xuất khẩu sản phẩm đã được ký kết với khách hàng không tăng.

Mặt khác, việc cung cấp điện cho các vùng ven đô hoặc khu vực nông thôn, nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp lại thất thường. Điện phục vụ cho sản xuất không được duy trì, bình ổn như khu vực thành thị nên các doanh nghiệp như dệt may gặp rất nhiều khó khăn và dự báo khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng 20%.

Không chỉ có dệt may, ngành giấy cũng đang chịu nhiều sức ép trước tỉ giá và lãi suất ngân hàng, trong khi nguồn vốn vay không ổn định. Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng công ty Giấy cho biết: Nhà máy sản xuất giấy ở Long An đang tiến hành lắp đặt, xây dựng, đến tháng 5/2011 sẽ xong và tháng 9 nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động nhưng đang rất thiếu vốn đầu tư cho dây chuyền.

Chính vì vậy, Tổng công ty Giấy đã kiến nghị Chính phủ giúp chỉ định Ngân hàng để được vay vốn đầu tư cho dây chuyền, đồng thời được vay vốn trồng rừng, đảm bảo nguồn nguyên liệu sẵn có…

Tại buổi giao ban, một số doanh nghiệp khác cũng đã nêu không ít khó  khăn do sức ép của tỷ giá, lãi suất ngân hàng tăng cao, gây áp lực về vốn và ngoại tệ cho doanh nghiệp.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ đã đề nghị lên Chính phủ có biện pháp bình ổn tỉ giá đồng USD trên thị trường tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc sử dụng đồng ngoại tệ.

Bên cạnh đó, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ cố gắng phân phối điện để các vùng ngoại thành và vùng nông thôn có điện sinh hoạt sử dụng trong mùa cao điểm, tạo điều kiện để nhà máy, xí nghiệp đóng ở vùng nông thôn đủ điện dùng cho hoạt động sản xuất.

Riêng đối với ngành giấy, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa sẽ sớm thực hiện việc hỗ trợ cho vay vốn, đáp ứng đề nghị của ngành giấy tại các tỉnh như Kon tum, Đồng Nai, Tuyên Quang…