Mức thu nhập này theo tính toán là quá thấp nếu đặt trong tương quan so sánh với mức độ xếp hạng DB của Việt Nam. Theo các chuyên gia quốc tế, giải quyết nghịch lý đó chính là "kim chỉ nam" trong quá trình triển khai Nghị quyết 19/CP "về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện DB và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".
Giảm thời gian - tăng tiền bạc
Đây là kết luận của ông Olin McGill - chuyên gia quốc tế thuộc Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện, khi nói về bài học thành công của các nước đã lọt vào Top 10 về DB. Tại Georgia, nhờ nỗ lực giảm 42 ngày để làm thủ tục xuất khẩu (XK) và giảm 38 ngày làm thủ tục nhập khẩu (NK) cho doanh nghiệp (DN) đã góp phần tăng 74% về GDP, tăng 121% về thu thuế qua 4 năm (2005 - 2009). Trường hợp khác là Malaysia, rút ngắn 154 ngày cho thời gian xin giấy phép xây dựng, lãi suất cơ bản giảm còn 6,6%, đã giúp DN tiết kiệm được gần 3% tổng chi phí. "Bài học từ Georgia và Malaysia là quyết liệt, triệt để trong cải cách hành chính (CCHC)" - ông McGill khẳng định.
Hướng dẫn làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH& ĐT. Ảnh: Linh Tâm
|
Nhìn lại thực tế tại Việt Nam: Chỉ số nộp thuế xếp hạng 149, trong đó DN mỗi năm mất 872 giờ dành cho việc này, trung bình 32 lần nộp/năm. Với chỉ số thương mại qua biên giới, DN mỗi năm mất 21 ngày để làm thủ tục XK và 21 ngày để NK (xếp hạng 101). Về tiếp cận nguồn điện, DN phải trải qua 6 thủ tục (xếp hạng 128), mất 115 ngày để giải quyết (xếp hạng 131). Bên cạnh đó, tại Việt Nam còn quá nhiều số định danh, trong đó đối với DN gồm có số đăng ký kinh doanh, mã số thuế, BHXH; với người dân là mã số thuế cá nhân, Chứng minh Nhân dân, số BHXH…
"Càng nhiều số định danh càng làm tăng sai sót và tạo cơ hội trốn, lách luật, gây khó cho cơ quan quản lý. Hơn nữa, thời gian để DN xin được giấy phép hoạt động, nếu quy đổi ra tiền sẽ ra con số rất lớn. Tại sao Việt Nam không tính cách để DN đi đăng ký BHXH thì có thể đăng ký luôn về thủ tục công đoàn?" - ông McGill nhấn mạnh.
Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), thứ hạng của Việt Nam là 99 thì phải tương xứng với thu nhập bình quân đầu người 7.500 USD - cao hơn 5 lần so với hiện nay. Việt Nam cần nỗ lực cải thiện điều này, nhưng không thể tiếp tục dựa trên lợi thế về nhân công rẻ. Bởi thực tế mới đây, Samsung đã chấm dứt hoạt động tại Trung Quốc vì giá nhân công ở đây đã tăng lên để chuyển sang Việt Nam. Điều này cho thấy, khi thu nhập bình quân được cải thiện sẽ kéo theo giá nhân công tăng, Việt Nam liệu có còn hấp dẫn nhà đầu tư?
Đổi mới từ nhận thức
Tại Hội thảo "Triển khai Nghị quyết 19/CP: Cải thiện các chỉ số DB của Việt Nam" ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Muốn cải thiện DB, tới đây, các cơ quan quản lý cần đổi mới từ nhận thức và cách tiếp cận với các giải pháp, nếu không rất khó đạt mục tiêu. Cần chuyển từ phát triển theo số lượng sang chiều sâu giúp giảm chi phí hành chính công cho DN, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế một cách cầu thị.
"Phải làm gì để giảm quy trình thủ tục thuế - hải quan còn 171 giờ? Có 3 thách thức mà các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính phải vượt qua: Thứ nhất là thời gian tiến hành thanh tra, kiểm tra DN, bởi luật pháp thanh, kiểm tra của Việt Nam đang "có vấn đề". Thứ hai là về thời gian giải quyết vướng mắc của DN, có tình trạng DN không biết những khiếu nại của mình thực tế đang nằm ở đâu, mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Thứ ba là so với quy định quốc tế, DN Việt Nam còn 6 loại tờ khai phải làm, ta xem có thể bỏ được không?" - ông Tuấn nhấn mạnh. Theo ông McGill, khi Chính phủ tiết kiệm được đồng nào thì DN thậm chí tiết kiệm hơn thế vì nó liên quan trực tiếp đến chi phí của họ. Khoản tiết kiệm này sẽ được DN đầu tư thuê thêm nhân công, và nếu dành để đào tạo những lao động còn thiếu kỹ năng thì tác động rất tốt cho nền kinh tế. Ông McGill khẳng định, thực tế, nếu Việt Nam giảm được thời gian làm thủ tục hành chính tương đương những nước thuộc Top 10 thì tổng kim ngạch thương mại sẽ tăng 50%.