Để đạt được mục tiêu này, việc phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và việc làm cho người dân là yếu tố quyết định.
Tăng thu nhập, giảm hộ nghèo
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, tỉnh Hà Tĩnh có rất nhiều điều kiện khó khăn, bất lợi với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 23,8% và thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,7 triệu đồng/năm. Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao mức sống cho người dân, tỉnh đã triển khai công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với tái cơ cấu ngay trong nội ngành nông nghiệp, trong đó xác định ưu tiên 13 sản phẩm chủ lực. Với hướng đi đúng cùng sự trợ giúp kịp thời về nguồn lực, đến nay, mức sống của người dân nông thôn Hà Tĩnh đã cải thiện rõ rệt. Ông Lê Đình Sơn – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh hiện đã đạt 38,9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 5,8%.
Tại Hà Nội, TP cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và nhiều dự án đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với quyết tâm thực hiện dồn điền đổi thửa, nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao đã hình thành, bước đầu đạt kết quả tốt. Nhiều mô hình nông nghiệp cho hiệu quả đạt 1 - 2 tỷ đồng/ha. Tính đến hết năm 2015, giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp của TP ước đạt 233 triệu đồng, tăng hơn 2 triệu đồng so với năm 2014.
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian qua, hầu hết các xã đều có đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế. Đến nay, cả nước đã có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả. Nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ tích cực cho phát triển sản xuất nông nghiệp như Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa… Nhờ đó, hiện đã có 56,5% số xã đạt tiêu chí thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn khoảng 8,2%.
Đi vào chiều sâu
Dù đã đạt được kết quả bước đầu, song nhìn chung các xã mới tập trung cao cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là làm đường giao thông, còn các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn mang tính truyền thống là chính, thu nhập không ổn định. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm và chưa vững chắc, các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Trong khi đó, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo ông Phát, thời gian tới, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của DN. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa.
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị ngành tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ttrong đó, đặc biệt quan tâm tập trung vào tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích DN về đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống của người dân.
Trồng rau trong nhà màng cho thu nhập cao tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
|