Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tích hợp xử lý chất thải rắn trong quy hoạch

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hà Nội được quy hoạch rất nhiều nhưng việc triển khai chậm, gần như đứng yên một chỗ.

Do đó, trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, lĩnh vực xử lý chất thải rắn là nội dung được tích hợp cần được rà soát kỹ, đánh giá đúng thực trạng để có phương án quy hoạch khả thi, sát thực tiễn.

Gần 10 năm chỉ có 2/17 khu xử lý được xây dựng

Năm 2014, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô
Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 609/QĐ-TTg. Sau 8 năm triển khai quy hoạch, bên cạnh một số kết quả đạt được vẫn còn nhiều nội dung chưa được triển khai, công tác xử lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhất là việc xây dựng hạ tầng cho thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn còn rất chậm.

Theo quy hoạch, toàn TP có 17 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên, hiện tại chỉ có 2 khu xử lý đang hoạt động (Nam Sơn – Sóc Sơn và Xuân Sơn – Sơn Tây) tỷ lệ thu gom đã vượt yêu cầu quy hoạch; 3 khu đang trong quá trình triển khai (Phù Đổng – Gia Lâm; Châu Can – Phú Xuyên; Núi Thoong – Chương Mỹ); 12 khu đã đóng cửa khó tiếp tục hoạt động hoặc khó có khả năng triển khai. Khu xử lý chất thải rắn cấp vùng tại xã Tiến Sơn, huyện Lương Sơn theo định hướng quy hoạch Vùng Thủ đô sẽ hỗ trợ xử lý chất thải rắn công nghiệp không có khả năng thực hiện.

Đối với chất thải rắn xây dựng, theo quy hoạch có 26 bãi xử lý, nhưng hiện toàn TP chỉ có 3 điểm đang hoạt động gồm bãi chôn lấp Nguyên Khê (ở xã Nguyên Khê và Xuân Nộn, huyện Đông Anh) và hai điểm trung chuyển tạm thời, tái chế bằng công nghệ nghiền đều ở quận Hoàng Mai. Về bùn thải thoát nước cũng chưa có khu chôn lấp, rác thải điện tử chưa được thu gom và xử lý riêng.

Ngoài ra, dù đã được nêu rõ trong quy hoạch, đồng thời cũng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp lý liên quan, nhưng cho đến nay TP chưa có sự chuẩn bị về hạ tầng và chưa triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn gây gánh nặng cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý. Cho đến nay, Hà Nội mới chỉ làm tốt công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với chất thải công nghiệp và y tế.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, TS Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay, theo nghiên cứu, những hạn chế trong công tác xử lý chất thải rắn thời gian qua tại Hà Nội là do công tác dự báo chưa chính xác. Cùng với đó là áp lực dân số tăng quá nhanh; năng lực quản lý Nhà nước còn yếu; công nghệ chậm đổi mới…

Sớm triển khai phân loại rác tại nguồn

Theo Luật Quy hoạch 2017, lĩnh vực xử lý chất thải rắn sẽ được tích hợp trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian qua, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cùng với đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia) đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu, rà soát, xây dựng các phương án quy hoạch chất thải rắn để tích hợp trong Quy hoạch Thủ đô.

Đại diện Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia cho hay, đã có hai phương án định hướng sắp xếp khu xử lý chất thải rắn của TP được đưa ra. Phương án 1, tiếp tục kế thừa quy hoạch đã được phê duyệt, rà soát các khu xử lý chất thải rắn không có khả năng xây dựng, đề nghị các địa phương bố trí địa điểm thay thế. Tuy nhiên, sau khi đánh giá cho thấy phương án này không phù hợp với tình hình mới khi cần tập trung lượng chất thải rắn để áp dụng công nghệ hiện đại. Việc đưa chất thải rắn sang các địa phương khác xử lý cũng không khả thi.

Do đó, phương án 2 được Viện đề xuất là giai đoạn tới Hà Nội sẽ tự chủ trong công tác xử lý chất thải. Tập trung thành các khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn, công nghệ hiện đại kết hợp với đầu tư hệ thống các trạm trung chuyển, cơ sở phân loại thứ cấp trên cơ sở kế thừa các khu xử lý chất thải rắn đã được quy hoạch. Cụ thể, tiếp tục phân chia 3 vùng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, mở rộng phạm vi phục vụ cho khu vực ngoại thị và nông thôn. Ngoài 2 khu xử lý đang hoạt động là Nam Sơn (208 ha) và Xuân Sơn (26 ha), tiếp tục triển khai 2 khu xử lý, sử dụng công nghệ xử lý thu hồi năng lượng gồm Phù Đổng - Gia Lâm (20ha), Châu Can - Phú Xuyên (30ha).

Đối với các khu xử lý đã xác định trong các quy hoạch trước đây, rà soát lại vị trí, nghiên cứu thành các nhà máy xử lý chất thải rắn cấp huyện, trạm trung chuyển lớn, đầu mối xử lý một số loại chất thải rắn đặc thù như chất thải rắn điện tử, chất thải rắn có kích thước lớn, xử lý chất thải rắn hữu cơ (gắn với việc bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng phù hợp với yêu cầu chất lượng đất đai và nhu cầu trồng trọt các loại cây công nghiệp trên địa bàn). Bổ sung vị trí mới (Khu xử lý chất thải rắn Tả Thanh Oai 12ha, kết hợp xử lý bùn thải và chất thải rắn từ Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá…

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), TS Hoàng Dương Tùng khuyến nghị, quy hoạch khu xử lý rác thải rắn cho Hà Nội cần được xem xét trên cơ sở chiến lược phát triển Thủ đô giai đoạn tới với định hướng phát triển các khu vực: TP trong TP, trục sông Hồng, các huyện lên quận… Phải bám theo các trục đó để quy hoạch khu xử lý rác thải nhằm tránh tình trạng vận chuyển quá xa và bảo đảm an toàn môi trường khi không tập trung vào số ít khu xử lý.

Quỹ đất không còn nên bắt buộc phải xây dựng các khu xử lý chất thải rắn dùng công nghệ đốt. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đầu tiên cần phân loại rác tại nguồn cho tốt. TP Hà Nội cần quyết tâm hơn nữa trong phân loại rác thải tại nguồn với phương án cụ thể. Theo Luật Bảo vệ môi trường đến đầu năm 2025, nếu người dân không thực hiện sẽ bị xử phạt. Việc này đồng nghĩa TP cần nhanh chóng triển khai thực hiện thí điểm.

“Phân loại rác thải tại nguồn không dễ, kinh nghiệm các nước làm đến hàng chục năm, qua nhiều đợt thí điểm mới thành công. Do đó, chúng ta phải có những bước chuẩn bị cụ thể, nhất là Hà Nội có nhiều cơ hội thực hiện nhờ kinh nghiệm nước ngoài và quyết tâm của TP. Như vậy chắc chắn trong một ngày không xa, Hà Nội sẽ xanh, sạch, đẹp như mong muốn” – TS Hoàng Dương Tùng bày tỏ.

 

Thủ đô Hà Nội bước vào kỳ quy hoạch mới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Cả thế giới và toàn quốc, trong đó có Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến xây dựng xã hội văn minh, thông minh, xanh, phát triển bền vững. Trước bối cảnh này, quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội cần được rà soát, đánh giá toàn bộ kết quả thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn theo Quyết định 609/QĐ-TTg, xác định những việc đã làm được, chưa thực hiện được, nguyên nhân khách quan và chủ quan để rút kinh nghiệm trong quy hoạch sắp tới, phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, tiết giảm chất thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng.
TS Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.