Tiềm ẩn hiểm họa từ sử dụng đèn laser

Tuấn Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (UB ANHK), gần đây, nhiều tổ bay phản ánh bị chiếu đèn laser trong khi cất, hạ cánh, đe dọa tới an toàn, an ninh hàng không.

Theo đó, trong nửa đầu tháng 6/2016, UB ANHK ghi nhận được 4 trường hợp báo cáo phát hiện có đèn laser chiếu vào tàu bay khi đang cất, hạ cánh. Mới đây, vào lúc 20 giờ 39 phút ngày 14/6, tổ bay VJ174, chặng bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội phát hiện có đèn laser màu xanh chiếu vào tàu bay vị trí hướng 265 độ, cách Đài chỉ huy sân bay Nội Bài khoảng 27km về phía Tây. Việc chiếu laser vào máy bay khi đang cất hoặc hạ cánh như vụ việc nêu trên có thể gây tổn thương mắt phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời máy bay, uy hiếp an toàn hàng không dân dụng. Trước đó, UB ANHK đã phối hợp cùng địa phương có sân bay tuyên truyền cho người dân trong khu vực hiểu và không sử dụng loại tia laser gây nguy hiểm cho hoạt động bay. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hành vi này mới chỉ là phổ biến sự nguy hại của việc chiếu tia laser đối với an toàn bay để nâng cao ý thức người dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sau khi nhận được thông tin, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Theo đó, Công an TP Hà Nội đã xác định được một trường hợp chiếu đèn laser gần sân bay Nội Bài ngày 2/6 vừa qua. Qua xác minh, địa điểm phát ánh sáng laser tại thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, nơi diễn ra hoạt động biểu diễn xiếc lưu động tại sân vận động. Đèn chiếu do đoàn xiếc sử dụng có một tia chiếu sáng công suất lớn và có trục quay có thể chiếu sáng nhiều hướng. Ngay sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng, đoàn xiếc đã dừng ngay việc chiếu đèn. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định đoàn xiếc không ý thức được việc chiếu đèn có thể ảnh hưởng an toàn hoạt động bay của sân bay Nội Bài. Vụ việc không mang tích chất phá hoại, ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng không...

Hiện nay, các thiết bị laser công suất lớn được rao bán nhiều và công khai tiềm ẩn những hiểm họa khi người dân sử dụng không đúng mục đích. Khảo sát qua mạng internet, thị trường bán đèn laser khá phổ biến với đủ các tính năng: Soi sáng, châm thuốc, thậm chí đục thủng gỗ... Có 2 loại gồm tia laser đỏ, thường thấy là các bút laser dùng để chỉ trong khi trình chiếu tài liệu. Một loại khác là tia laser xanh, có bước chiếu xa hơn, được ứng dụng trong công nghệ trình chiếu ánh sáng. Các loại đèn này nếu xuất xứ từ Trung Quốc tầm chiếu từ 500 - 1.000m, giá chỉ từ khoảng 300.000 – 800.000 đồng. Một số loại công suất lớn có giá dao động từ 2 - 4 triệu đồng, các loại có khả năng đốt cháy từ 3 triệu đồng trở lên… Tình trạng bán tràn lan loại đèn này ngoài thị trường sẽ rất nguy hiểm, các cơ quan quản lý cần kịp thời kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn hoạt động bay, ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành chức năng vào cuộc khắc phục tình trạng này. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công an, GTVT, Quốc phòng và các tỉnh, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… triển khai biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các đơn vị hàng không chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn không để vụ việc tái diễn. Các đơn vị cần xác định khu vực trọng điểm liên quan trục đường cất hạ cánh của tàu bay để có kế hoạch tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn hành vi sử dụng đèn chiếu laser vào máy bay; Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ động cơ, mục đích, đối tượng thực hiện hành vi chiếu đèn laser từ tháng 2/2016 đến nay, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần