Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiềm ẩn rủi ro trong cung ứng điện

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, dự báo nước về các hồ thủy điện thấp nhất trong vòng 30 năm qua, tình hình cung cấp nhiên liệu khí và than vẫn gặp nhiều khó khăn, một số dự án nguồn điện lớn có công suất trên 200MW lại đang chậm tiến độ... Do đó, việc vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn và bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chỉ 15 dự án đạt tiến độ
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực (BCĐ), với 62 dự án nguồn điện lớn có công suất trên 200MW thì chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh. Với các công trình lưới điện đã khởi công 196 công trình và đã hoàn thành đóng điện 192 công trình lưới điện 110 - 500kV.
Điện mặt trời là một trong những giải pháp để bảo đảm nguồn cung điện năm 2019 và những năm tiếp theo.

Ảnh: Hoàng Anh

Lãnh đạo Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong trong thực hiện các dự án đầu tư. Cụ thể, ngoài những bất cập về thủ tục đầu tư thì điển hình nhất vẫn là những khó khăn về GPMB... Trong đó, một số công trình vướng mắc GPMB kéo dài như: Đường dây 220kV đấu nối sau các trạm 500kV Phố Nối, Việt Trì, Lưu Xá; TBA 220kV Nghĩa Lộ và đường dây 220kV Nghĩa Lộ - 500kV Việt Trì, 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nha Trang – Tháp Chàm...
Đặc biệt, một số công trình trọng điểm đồng bộ nguồn điện BOT bị chậm tiến độ (đường dây 500kV đấu nối các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Vân Phong 1, Hải Dương). Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng đến công tác xác định nguồn gốc đất, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài. Đơn giá bồi thường còn bất cập, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Không có quy định đối với diện tích đất mượn tạm thi công, dẫn tới người dân có những đòi hỏi chi phí đền bù vô lý...
Đồng bộ nhiều giải pháp
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch huy động nguồn điện cập nhật so với kế hoạch đầu năm cũng chỉ rõ, sản lượng các nhà máy thủy điện sẽ giảm khoảng 2,67 tỷ kWh trong năm 2020. EVN dự kiến sẽ phải tăng sản lượng điện phát từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng trên 1,9 tỷ kWh và từ các nhà máy nhiệt điện dầu khoảng trên 1,2 tỷ kWh.
Ngoài ra, EVN phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như: Bố trí lịch bảo dưỡng các tổ máy hợp lý, hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy nhiệt điện bảo đảm tính khả dụng cao nhất trong mùa khô và cả năm 2020.
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để lập kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước cho phát điện và cấp nước hạ du; yêu cầu các đơn vị chủ động trong việc cung cấp, nhập khẩu than cho phát điện; giao công ty nguồn điện đấu thầu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để bổ sung cho phát điện.
Giai đoạn 2021 - 2025, để bảo đảm cung ứng đủ điện, hạn chế tối đa việc vận hành các nhà máy nhiệt điện dầu có giá thành cao để phát điện, EVN đề xuất Nhà máy điện Hiệp Phước chuyển đổi nhiên liệu, sử dụng khí LNG và bổ sung quy hoạch dự án nâng công suất nhà máy lên 1.125MW.
EVN cũng sẽ báo cáo Chính phủ xin được đẩy nhanh, tăng công suất nhập khẩu điện từ các nước lân cận, tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời với mục tiêu đạt tổng công suất lắp đặt đến năm 2025 khoảng 14.500MWp điện mặt trời, 6.000MW điện gió.
Trước tiềm ẩn rủi ro về tình hình cung ứng điện, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh đã yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nguồn điện, sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2025. Đồng thời, chú trọng phát triển kịp thời các trạm biến áp, đường dây truyền tải để giải tỏa công suất, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn vốn và phát triển vốn Nhà nước tại EVN.
“Phải bảo đảm hoạt động của EVN không chỉ tăng trưởng về doanh thu mà còn cả về chất lượng điện năng, không chỉ năm 2020 mà cả những năm tiếp theo; chú trọng hơn nữa đến việc bảo về môi trường, nhất là các vấn đề liên quan đến tro xỉ nhiệt điện...” – ông Hoành Anh nhấn mạnh.

BCĐ đề nghị Bộ Công Thương xem xét phân cấp cho EVN, Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) chủ động thực hiện các bước thiết kế của một số công trình, hoặc hạng mục dự án trong phạm vi thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đối với UBND các tỉnh, thành giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đền bù, GPMB các dự án điện nhất là các đường dây, trạm đấu nối đồng bộ với phát điện nhà máy, các dự án điện cấp bách, các dự án giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo...


Để đáp ứng mục tiêu bảo đảm cung ứng điện năm 2020 và các năm tiếp theo, EVN chỉ đạo các chủ đầu tư các công trình nguồn điện, lưới điện đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành nhằm tăng cường khả năng cấp điện. Cụ thể, đưa Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng vào vận hành trong quý I/2020; Bảo đảm tiến độ các dự án nguồn điện lớn trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 (2022), Vân Phong 1 (2023); Sông Hậu 1 (2021); Thái Bình 2 (2022); Long Phú 1 (2023); Nhơn Trạch 3 và 4 (2023 - 2024),...