Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 năm (từ năm 2008 - 2017) của nước ta đạt khoảng 261,3 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 9,24%/năm. Đặc biệt, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 214 tỷ USD, thì nhóm lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản đã đạt gần 37 tỷ USD (chiếm khoảng 16,8%). 8 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản đã đạt khoảng 26 tỷ USD, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD nông sản trong năm 2018.
|
Nông sản Việt bày bán tại hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam . Ảnh: Lê Nam |
Đáng chú ý, Việt Nam có tới 10 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: Lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sắn, trái cây, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong đó, có 5 nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu vượt 3 tỷ USD gồm: Tôm, trái cây, hạt điều, cà phê, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Nông sản của nước ta hiện đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai tại khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đạt như kỳ vọng. Nếu như năm 2007, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ là 2.397 DN, thì đến hết quý II/2018, con số này đã tăng lên 7.033 DN. Mặc dù vậy, tổng số vốn đã đầu tư vào nông nghiệp trong 10 năm qua mới chỉ chiếm 8 - 10% tổng nguồn vốn của toàn khu vực DN. Nếu tính vốn của các DN trực tiếp sản xuất, con số trên thậm chí chỉ còn khoảng... 1%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, DN, thực trạng đầu tư vào nông nghiệp nhỏ giọt là bởi vẫn còn tồn tại khá nhiều "điểm nghẽn" cản trở DN rót vốn. Đó là khó khăn về quỹ đất để sản xuất lớn, rồi thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn phải tiếp tục được tháo gỡ. Đơn cử, hiện nay vẫn còn hơn 100 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm khoảng 30%) chưa được rà soát, đơn giản hóa. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT có hơn 7.000 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, cần cắt giảm 125 nhóm sản phẩm hàng...
Để thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới mục tiêu đưa ngành nông nghiệp Việt Nam lọt vào top 15 thế giới trong vòng 10 năm nữa như đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, vai trò của các DN là hết sức quan trọng. Cùng với các hợp tác xã, DN được xem là nhân tố có đóng góp tích cực trong việc cụ thể hóa nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị, thúc đẩy mạnh mẽ ngành chế biến nông sản… Và để thu hút được nhiều hơn những “sếu đầu đàn” đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc hoàn thiện và hiện thực hóa các thể chế, chính sách hiện có đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là Luật Đất đai và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Khi cơ chế đầu tư thông thoáng hơn, cộng với quyết tâm đồng hành, đổi mới của các bộ, ngành, địa phương, dòng vốn chảy vào nông nghiệp chắc chắn sẽ ngày càng dồi dào hơn.