Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiềm năng du lịch chờ khai phá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi đã được nghe kể về Lý Sơn như một "đảo tiên" giữa biển xa. Đến khi có...

Kinhtedothi - Tôi đã được nghe kể về Lý Sơn như một "đảo tiên" giữa biển xa. Đến khi có dịp cùng Đoàn công tác của Hội Nhà báo Hà Nội trao quà cho các ngư dân, học sinh giỏi của "Vương quốc tỏi" (từ ngày 14 - 18/7), được tận mắt chứng kiến cuộc sống và phong cảnh Lý Sơn, tôi hiểu, đây là địa chỉ du lịch tiềm năng, đầy triển vọng với những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Thiên đường du lịch

Biển Việt Nam có khoảng 4.000 hòn đảo, nhưng chỉ có 12 đảo là đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có Lý Sơn. Nơi đây có mật độ dân số cao nhất so với các huyện đảo khác, lên tới 1.818 người/km2, gấp 7,2 lần so với mật độ dân số bình quân của cả nước. Các lớp cư dân của nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa đã từng sinh sống ở đây cách nay hàng mấy chục thế kỷ, thế nên, huyện đảo này còn giữ được rất nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể gắn liền với quá trình xây dựng và gìn giữ đảo, khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.

 
Lễ hội đua thuyền trên đảo Lý Sơn.
Lễ hội đua thuyền trên đảo Lý Sơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Hoàng Linh: "Trên địa bàn huyện có 50 di tích, trong đó có 10 di tích đã được công nhận gồm 4 di tích cấp quốc gia (thắng cảnh chùa Hang, đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải, Âm linh tự) và 6 di tích cấp tỉnh gồm Dinh Tam Tòa, đền thờ cá Ông Lân Chánh, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, đền thờ Thiên Y - A -Na, lăng cá Ông Đông Hải, mộ và đền thờ Võ Văn Khiết. Ngoài ra, huyện còn có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể về tinh thần, sinh hoạt dân gian, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền truyền thống, hội dồi bong… Tất cả đều mang tính đặc hữu của riêng mình rất phong phú và đặc sắc, không thể có và hiếm có ở các địa phương khác".

Du khách đến đây sẽ được đắm mình trong những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ quanh đảo, gắn giữa núi cao với biển cả. Ông Peter Len - một du khách người Bỉ chia sẻ: "Đây là hòn đảo đẹp nhất mà tôi từng đến. Thật tiếc vì đến giờ, tôi mới được khám phá vùng đất tuyệt đẹp này. Tôi rất ấn tượng với những nét văn hóa ở đây và khâm phục trước những hành động anh dũng của cha ông các bạn và ngư dân Lý Sơn. Tôi sẽ còn quay trở lại với họ".

Cần được đầu tư xứng tầm

Những năm qua, từ khi tỉnh Quảng Ngãi mở tour du lịch đến Lý Sơn, du khách trong và ngoài nước đã tìm đến đảo ngày một đông hơn. Ông Phạm Hoàng Linh cho biết, 3 tháng nay, khách đến Lý Sơn tăng đột biến. Nếu trước đây mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu từ đất liền ra huyện đảo thì nay, một ngày có 2 - 3 chuyến tàu qua lại đất liền. Số khách những ngày cao điểm có thể lên đến 500 người. Theo thống kê của Ban Quản lý cảng Sa Kỳ, khách du lịch đến Lý Sơn ngày càng đông, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, nếu không đặt trước thì khó mua được vé tàu cao tốc.

Thế nhưng, so với tiềm năng của "Vương quốc tỏi", con số này vẫn còn quá khiêm tốn. Thực tế, việc khai thác tài nguyên và phát triển du lịch tại Lý Sơn chưa thực sự hiệu quả. Hiện, hệ thống dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu, cả đảo có khoảng 70 buồng, phòng phục vụ khách du lịch, nhưng chưa có cơ sở lưu trú nào đạt tiêu chuẩn "sao" để có thể đón khách du lịch có khả năng chi trả cao hoặc khách quốc tế.

Những nhà hàng sang trọng, dịch vụ vui chơi giải trí vắng bóng. Vấn đề đau đầu nhất đối với các nhà quản lý du lịch Lý Sơn là nguồn nhân lực phục vụ tại huyện đảo chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Hơn thế, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hầu như chưa có, và quan trọng là Lý Sơn chưa có điện lưới quốc gia.

Mặt khác, người làm du lịch, dịch vụ ở "đảo tỏi" đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Như chia sẻ của anh Phạm Ngọc Thanh - chủ nhà hàng, nhà nghỉ Viễn Đông: "Chúng tôi rất muốn nâng cấp hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng nhưng lực bất tòng tâm vì không có kinh phí. Xây nhà ở đảo này có chi phí đội lên gấp 3 - 4 lần so với đất liền vì phải vận chuyển vật liệu từ cảng Sa Kỳ ra. Mà lượng khách du lịch không ổn định, đặc biệt vào mùa biển động". Bởi thế, ông Phạm Hoàng Linh mong muốn tỉnh Quảng Ngãi, các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, cấp kinh phí hoặc đến Lý Sơn xây dựng các trung tâm nghỉ dưỡng, vui chơi, ăn uống phục vụ nhu cầu khách du lịch hạng sang. Huyện cũng đang lên kế hoạch đào tạo cho người dân làm du lịch và đa dạng sản phẩm du lịch như: "Đảo xanh huyền thoại", "Công viên ốc biển và san hô biển Lý Sơn", "Khám phá tầng địa chất trên đảo Lý Sơn"… để thu hút du khách.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đơn vị này đã tiến hành khảo sát và chuẩn bị thi công dự án đưa điện lưới quốc gia ra Lý Sơn vào tháng 9 tới. Khi có điện ổn định, sinh hoạt của người dân sẽ được cải thiện và các dịch vụ cũng sẽ dần phát triển. Tin rằng, huyện đảo Lý Sơn kỳ bí, với những cảnh quan thiên nhiên còn nguyên sơ, nếu được đầu tư khai thác hợp lý sẽ trở thành viên ngọc quý, một điểm đến lý tưởng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.