Tại buổi tọa đàm các nhà quản lý, hoạch định chính sách đã trao đổi cởi mở để đánh giá một cách khách quan các tiềm năng, lợi thế, các cơ hội, thách thức nhằm thúc đẩy việc hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế và khai thác các không gian sáng tạo của Thủ đô; nâng cao vị thế cạnh tranh của Hà Nội với các đô thị trong vùng và trong khu vực.
Hà Nội – nơi hội tụ văn hoá ngàn nămHà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Năm 2020 vừa qua, Thủ đô tròn 1010 tuổi, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hoà bình”, “Thành phố Sáng tạo”, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng.
|
Trưởng phòng Quản lý di sản văn hoá – Sở VH&TT Hà Nội Phạm Thi Lan Anh phát biểu đề dẫn tại buổi toạ đàm. |
Bên cạnh đó, Hà Nội có nhiều di sản văn hoá tiêu biểu. Ngoài Di sản Thế giới – Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội còn có 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.441 di tích xếp hạng cấp TP. Theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hoá – Sở VH&TT Hà Nội Phạm Thi Lan Anh: “Trong phiên họp gần đây nhất Hội đồng Di sản Quốc gia đã thông qua di tích Thăng Long tứ trấn sắp tới sẽ ghi danh di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn lực đó được kế thừa từ hàng nghìn năm trước cho đến nay”.
Ngoài di sản kiến trúc, Hà Nội còn có di sản về thiên nhiên. Trong di sản thiên nhiên, các dòng sông là di sản được nhắc đến nhiều nhất. Trong những nghiên cứu của những nhà kiến trúc, nhà quy hoạch thường nhắc đến Hà Nội là TP trong sông, với 20 con sông tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, trong quá trình lịch sử cũng để lại cho chúng ta nhiều cảnh quan đẹp. Trong đó không thể không nhắc đến Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn với các công trình kiến trúc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Hà Nội còn có 1.793 di sản văn hoá phi vật thể. “Hiện nay, chúng ta có 5 di sản được UNESCO ghi danh và 26 di sản được Bộ VHTT&DL ghi vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với đó, Hà Nội có 76 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng NNND và NNƯT ở lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể.
Ngoài ra, chúng ta cũng có nền ẩm thực phong phú. Một trong những nội dung quảng bá ở Hội nghị Phi tập trung Việt – Pháp lần thứ XI năm 2019, Hà Nội quảng bá tại Paris có cà phê Giảng, nem, phở Hà Nội và bún chả… Đó là những món ẩm thực hầu hết các bạn ở Pháp và khách quốc tế biết đến” - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hoá – Sở VH&TT Hà Nội Phạm Thi Lan Anh chia sẻ.
|
Trình diễn múa rồng tại Lễ hội văn hoá đường phố tại Hà Nội. |
Cùng với đó, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có những làng nghề thuần tuý mang tính chất văn hoá phi vật thể, duy nhất có ở Hà Nội là nặn tò hè (Xuân La, Phú Xuyên); hay những làng nghề tạo ra sản phản thương mại rất nhỏ như làng chuồn chuồn tre nhưng đó lại là những quà tặng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất độc đáo. Đồng thời, Hà Nội cũng có 2 làng nghề trọng tâm được TP quan tâm, đầu tư quy hoạch để phát huy, bảo tồn giá trị làng nghề là gốm Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc.
Mặt khác, Hà Nội có hệ thống các trường đại học, chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân, DN. Họ đều có mong muốn, nguyện vọng, nỗ lực đóng góp cho HN trong hoạt động sáng tạo.
Quyết tâm của chính quyền Thủ đôSau khi Hà Nội tham gia mạng lưới TP sáng tạo, UNESCO nhấn mạnh Hà Nội phải thể hiện được quyết tâm chính trị và mong muốn của chính quyền TP Thủ đô.
Để hiện thực hoá những mục tiêu đó, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, TP Hà Nội đã cụ thể hoá bằng các nội dung, chương trình cụ thể của Thành uỷ và tiếp đó là kế hoạch của UBND TP Hà Nội. Trưởng phòng Quản lý di sản văn hoá – Sở VH&TT Hà Nội Phạm Thi Lan Anh cho biết: Trong 10 chương trình công tác của Thành uỷ nhiệm kỳ 2020 – 2025, chúng tôi có 2 chương trình nhấn mạnh đến việc triển khai các nội dung khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo. Đó là Chương trình 06 CTr/TU ngày 17/3/2021 về phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình 07 CTr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025.
|
Hoạt động văn hoá diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm. |
Cùng với đó, Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các TP sáng tạo; ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn đến 2045; tiếp tục hoàn thiện nội dung để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô (bổ sung 1 điều về chính sách văn hoá).
Tại buổi toạ đàm, Trưởng ban Văn hoá - Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng và sự phát triển của Hà Nội. Nhiều câu hỏi đặt ra với UNESCO sao không đặt vấn đề sáng tạo với các TP năng động của Việt Nam như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Nhưng khi đặt câu hỏi, chúng ta chỉ nhìn vào công cụ, hạ tầng mà không nhìn vào nguồn vốn văn hoá giàu có. Nếu Hà Nội đi đầu sẽ truyền cảm hứng cho các TP khác, trở thành đô thị thực sự đáng sống, tạo tầm nhìn thực sự bền vững”.