Tiêm phòng cảm cúm

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là tiêm phòng (chích ngừa). Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa chích ngừa. Virus corona mới (Covid - 19) chưa có vaccine chủng ngừa, nhưng chúng ta đừng quên chích ngừa phòng các loại virus cúm khác.

Thời điểm tiêm phòng: Vì chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên bạn cần tiêm phòng cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Nên tiêm càng sớm càng tốt khi có vaccin của năm đó. Ở Bắc bán cầu, cúm thường xảy ra từ tháng 11 đến tháng 4 còn ở Nam bán cầu thì mùa cúm là từ tháng 5 đến tháng 10. Ở miền nhiệt đới thì cúm có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Trẻ em phải chích 2 mũi khi tiêm lần đầu. Người lớn và trẻ đã từng chủng ngừa cúm tiêm mỗi năm một mũi.
Hiệu quả: Người tiêm phòng cúm sẽ tạo ra kháng thể (chất bảo vệ) chống lại virus khi họ bị nhiễm. Cần khoảng 2 tuần để tạo ra kháng thể này và khả năng bảo vệ là 50 - 80% (tức 50 - 80% người tiêm sẽ không bị cúm sau khi chích).
Tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Có 3 loại vaccine: Tiêm bắp thịt, tiêm dưới da và dạng xịt mũi. Ở Việt Nam chỉ có loại tiêm bắp thịt. Loại tiêm bắp thịt (chứa virus chết) là loại phổ biến cho người lớn và trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Loại xịt mũi (chứa virus sống giảm độc lực) chỉ dành cho người khỏe từ 2 tuổi trở lên đến 49 tuổi. Phụ nữ có thai và người có sức đề kháng kém (suy giảm miễn dịch) hay có bệnh mạn tính không nên dùng loại chứa virus còn sống.
Tác dụng phụ: Tác dụng phụ chủ yếu là ngứa tại chỗ tiêm. Bệnh nhân bị dị ứng với trứng cần thận trọng khi tiêm phòng (vì hầu hết các loại vaccin được chế tạo trong môi trường có trứng) và phải báo cho nhân viên y tế biết về điều này. Các phản ứng phụ khác có thể gặp như đau nhức mình mẩy, nhức đầu, sốt nhẹ (khoảng 38ºC). Các phản ứng này thường nhẹ và tự hết sau 1 - 2 ngày.
Ai cần tiêm phòng cúm? Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần chích ngừa cúm. Những đối tượng sau càng cần phải tiêm phòng hơn: Người lớn từ 50 tuổi trở lên; người sống ở nhà dưỡng lão; người có bệnh tim phổi mạn tính bao gồm trẻ bị hen suyễn; người lớn hay trẻ em bị các bệnh tiểu đường hay thận mạn tính; người lớn hay trẻ em bị nhiễm HIV hay được ghép tạng; phụ nữ có thai trong giai đoạn có mùa cúm; những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như nhân viên y tế, người sống chung với người có nguy cơ bị biến chứng do cúm cao.

Một số đối tượng không nên tiêm phòng cúm, theo chỉ định của bác sĩ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần