Tiền giả - nỗi lo thật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mới nhất của cơ quan An ninh điều tra - Công an TP (CATP) Hà Nội cho thấy, thời gian gần đây, hoạt động tội phạm về tiền giả trên địa bàn Hà Nội diễn ra phức tạp. Điều đáng nói, tiền giả đã len lỏi cả vào hoạt động của hệ thống ngân hàng, kho bạc…

Nhiều lo ngại

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng tiền giả ngày một tăng, mỗi năm, ngân hàng thu vào hàng chục tỷ tiền đồng giả, chủ yếu là các loại có mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng. Đây là số tiền giả do các ngân hàng, kho bạc phát hiện và thu giữ.

hống kê của cơ quan An ninh điều tra - CATP Hà Nội cũng cho thấy, lượng tiền giả thu giữ tại các tổ chức tín dụng hàng năm còn rất lớn, có những thời điểm lên tới gần 2 tỷ đồng.Đầu tháng 6 vừa qua, CA huyện Hoài Đức đã khởi tố bị can, tạm giam hai đối tượng là Trương Văn Thoa (SN 1974) và Tống Thị Trang (SN 1975, đều ở Đồng Hỷ - Thái Nguyên) liên quan đến hành vi vận chuyển tiền giả và mua bán trái phép chất ma túy.
 
Công an huyện Hoài Đức phát hiện một vụ tàng trữ, buôn bán tiền giả hồi tháng 6/2014.
Công an huyện Hoài Đức phát hiện một vụ tàng trữ, buôn bán tiền giả hồi tháng 6/2014.

Trước đó, qua công tác trinh sát, CA huyện Hoài Đức phát hiện một số đối tượng hoạt động vận chuyển tiền giả từ khu vực biên giới phía Bắc về Hà Nội tiêu thụ. Sáng 8/5 lực lượng công an có thông tin Thoa và Trang “ôm” tiền giả và ma túy tổng hợp qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) về Việt Nam để đưa đi tiêu thụ. Các trinh sát đã phát hiện các đối tượng vào một nhà nghỉ ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiếp cận, bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển 100.800.000 đồng, gồm 504 tờ tiền giả loại mệnh giá 200.000 đồng. 

Tội phạm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (gọi tắt là "tội phạm về tiền giả") là loại tội phạm xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý kinh tế, không những ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước mà trực tiếp phá hoại nền kinh tế của đất nước, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dân. Thời gian qua, do có nhiều lợi nhuận, dễ thực hiện nên loại tội phạm này không ngừng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, gây không ít khó khăn cho công tác phòng, chống tội phạm. Song song với tiền đồng giả, các loại ngoại tệ, séc, thẻ tín dụng giả cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Thực tế cho thấy, tiền đồng giả được in chủ yếu ở nước ngoài. 

Xử lý nghiêm 

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CATP Hà Nội) cho biết: Nguồn gốc tiền giả thường xâm nhập vào Việt Nam thông qua đường biên giới phía Bắc với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nếu trước đây, tiền giả thu được chủ yếu có mệnh giá thấp để dễ lưu hành thì thời gian gần đây, số tiền giả thu được lại có mệnh giá lớn. Có loại tiền giả được làm ở nước ngoài với công nghệ hiện đại nên máy soi, kiểm tra tiền giả khó phát hiện được.

Để tiêu thụ tiền giả trót lọt, các đối tượng thường mua hàng có giá trị thấp bằng tiền giả có mệnh giá cao để người bán hàng trả lại tiền thừa bằng tiền thật. Còn khi mua hàng có giá trị lớn, hoặc khi trả nợ, do nắm được thói quen của người nhận tiền với số tiền lớn thường chỉ kiểm tra những tờ tiền phía ngoài rồi đếm qua máy chứ không kiểm tra từng tờ, các đối tượng này đã kẹp lẫn tiền giả với tiền thật. Các đối tượng tiêu thụ tiền giả thường chọn những nơi ít có khả năng phân biệt giữa tiền thật và tiền giả hoặc những nơi đông người, có khách vãng lai đến tham quan, du lịch... để dễ  hoạt động.

Tội phạm về tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, nên yêu cầu đặt ra là tăng cường và chủ động trong công tác nắm tình hình, đánh giá đúng thực trạng hoạt động của tội phạm, tham mưu kịp thời để tổ chức các biện pháp phòng ngừa xã hội, nghiệp vụ và pháp luật. Tất cả các vụ việc liên quan đến tội phạm về tiền giả phải nhanh chóng được điều tra và xử lý nghiêm minh, không để tiền giả tiếp tục lưu thông và xâm nhập vào hệ thống kho, quỹ của các ngân hàng, kho bạc, cơ quan, doanh nghiệp. Trong quá trình phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm liên quan đến tiền giả phải tìm ra tổ chức làm tiền giả, đường dây, ổ nhóm vận chuyển, tiêu thụ để mở rộng điều tra, xử lý. Bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cần phải có sự nâng cao về trình độ nghiệp vụ, phối hợp đồng bộ của các cơ quan ban, ngành, chức năng để có thể ngăn chặn tiền giả ngay từ cửa khẩu biên giới.

 
Trong năm 2013, toàn TP Hà Nội khởi tố 8 vụ và thu giữ 180 triệu đồng tiền giả. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng trên địa bàn đã điều tra, khởi tố 4 vụ tội phạm về tiền giả, thu giữ 122 triệu đồng tiền giả.