Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiền Giang: Làng cổ Đông Hòa Hiệp nơi giao thoa văn hóa kiến trúc phương Đông và phương Tây

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng cổ Đông Hòa Hiệp nay thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, điều đặc biệt nơi đây đang lưu giữa 36 ngôi nhà cổ có kiến trúc đặc trưng khu vực Nam Bộ kết hợp với kiến trúc phương Tây, những ngôi nhà này nằm thấp thoáng dưới những vườn cây bốn mùa xanh tươi hoa trái.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp cách TP Mỹ Tho khoảng 40km theo quốc lộ 1A về phía tây. Làng có tất cả 6 ấp với hơn 3.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái những loại: xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, vũ sữa Vĩnh Kim… Và các nghề thủ công truyền thống như: làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa…

 Một ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang) bên ngoài có nét kiến trúc phương Tây 

Nhưng điều ấn tượng nhất nơi đây là những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam Bộ giao thoa với kiến trúc thời Pháp thuộc. Những ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà chúng nằm đan xen với những vườn cây ăn trái xum xuê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng và trở thành cuốn hút khách du lịch. Trong số đó, đáng chú ý là nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) và nhà cổ của ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi). Hai ngôi nhà này không những rất độc đáo về kiến trúc mà hiện còn là điểm du lịch homestay thu hút đông khách du lịch quốc tế.

 Không  gian bên trong căn nhà lại mang đặc trưng văn  hóa của người Nam Bộ xưa.

Ngôi nhà cổ của ông Phan Văn Đức nằm trong khuôn viên rộng 2ha, giữa vườn cây ăn trái tạo nên không gian trong lành mát mẻ đậm  chất Nam Bộ. Ngôi nhà được chia làm hai phần cả nhà trước và nhà sau với ở giữa là giếng trời để lấy ánh sáng làm ấm cho căn nhà, bên ngoài ngôi nhà theo lối kiến trúc của người Pháp thời thuộc địa,  với mái hiên vòm cao, cột trụ bằng bê tông và dãy lan can chắc chắn theo kiến trúc phương Tây. Nhưng khi bước vào ngôi nhà là một không gian đậm chất Nam Bộ xưa với 4 cột bằng gỗ căm xe, giữa gian chính treo 2 câu đối và bộ tủ thờ gia tiên được khảm trai công phu, gian thờ bài trí theo nguyên tắc Đông bình, Tây  quả. Qua kiến trúc của căn nhà này cho chúng ta thấy sự giao thoa giữa phong cách kiến trúc phương Đông và phương Tây rất hài hòa, tuy nhiên ông bà xưa vẫn lấy kiến trúc truyền thống của người Việt làm chủ đạo.

 Ngôi nhà rường của ông Trần Tuấn Kiệt có tuoir đời hơn 180 năm.

Hay như ngôi nhà cổ có tuổi thọ hơn 180 năm của ông Trần Tuấn Kiệt có kiến trúc hoàn toàn đặc trưng của người Nam Bộ xưa. Ngôi nhà có 5 gian, rộng gần 1000m vuông với 180 cây cột làm bằng gỗ căm xe quý hiếm. Ngôi nhà có kiến trúc rất độc đáo theo lối kiến trúc nhà rường xứ Huế, nhưng lại mang đậm sắc thái Nam Bộ từ các vì kèo, ô cữa, bao lan bằng gỗ chạm khắc sơn son thếp vàng với các hình ảnh tùng, cúc, trúc, mai rất tinh tế cho thấy đôi tay tài hoa của người thợ xưa

 Ngôi nhà rường của ông Trần Tuấn Kiệt có lối kiến trúc nhà rường xứ Huế.

Hiện nay làng cổ Đông Hòa Hiệp có 36 ngôi nhà cổ, có tuổi đời từ 80 đến 220 năm. Với những giá trị to lớn về văn hóa và kiến trúc, Làng cổ Đông Hòa Hiệp vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 2017.


Khai mạc Lễ hội Văn hóa, Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ IV 2019

Nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa và các sản vật của địa phương, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất và người Tiền Giang; thúc đẩy các hoạt động giao lưu kết nối. UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ hội Văn hóa, Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ IV 2019 từ ngày 10 đến 12/11.

 Đường đi vào làng cổ Đông Hòa Hiệp dịp Lễ hội Văn hóa - Du lịch năm 22019.

Đây là lễ hội được tổ chức 2 năm/lần, với nhiều hoạt động mang bản sắc văn hóa truyền thống, dân gian. Lễ hội năm nay sẽ có nhiều nội dung hoạt động như: Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng; triển lãm sinh vật cảnh, hòn non bộ; hội thi làm bánh dân gian; triển lãm, giới thiệu về du lịch 6 tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh; tổ chức các trò chơi dân gian; diễu hành thuyền hoa; chiếu phim màn ảnh rộng; tọa đàm về bảo tồn và phát huy Làng cổ; hội thi chưng mâm ngũ quả; hội thi đua xuồng; chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, đờn ca tài tử; tổ chức giao lưu với các đoàn của Nhật Bản; tái hiện nghi thức cúng Đình xưa…