70 năm giải phóng Thủ đô

Tiện ích từ việc đăng ký hộ tịch lưu động

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định của pháp luật, một số trường hợp “đặc biệt”, không thể đi đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, thì UBND cấp xã tiến hành đăng ký lưu động. Thực tế cho thấy, mô hình này đang được người dân đón nhận.

Trước đây, nhiều người dân vì những điều kiện, hoàn cảnh không thể tự đi làm các thủ tục đăng ký hộ tịch, đặc biệt là trong trường hợp đăng ký kết hôn, pháp luật không cho phép ủy quyền mà hai bên phải trực tiếp đến trụ sở UBND cấp xã. Không đi đăng ký đúng thời hạn, công dân có thể bị phạt, do đó nhiều người càng thêm ngại. Vì thế, nhiều nơi tỷ lệ trẻ sinh ra chưa đăng ký, nam nữ chung sống chưa kết hôn, người chết chưa được khai tử vẫn còn. 
 Công dân đăng ký giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Văn Trọng
Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký quản lý hộ tịch cũng chỉ có quy định mang tính khuyến khích cán bộ cơ sở đi đăng ký lưu động. Tuy nhiên, Luật Hộ tịch mới - năm 2014 đã quy định rõ vấn đề này. Theo đó, Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch 2014, Thông tư số 15 ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp đã quy định các trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn lưu động gồm: Trẻ em sinh ra mà cha mẹ bị khuyết tật, ốm bệnh không thể đi đăng ký khai sinh cho con; cha mẹ bị bắt, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù mà không còn ông bà nội, ngoại và người thân thích hoặc những người này không có điều kiện đi đăng ký khai sinh cho trẻ, thì UBND cấp xã tiến hành đăng ký khai sinh lưu động.

Trường hợp người chết không có người thân thích, người thân thích không sống cùng địa bàn xã hoặc là người già, yếu, khuyết tật không đi đăng ký khai tử được, thì UBND cấp xã tiến hành đăng ký khai tử lưu động. Trường hợp hai bên nam, nữ cùng thường trú trên địa bàn cấp xã mà một hoặc cả hai bên nam, nữ là người khuyết tật, ốm bệnh không thể đi đăng ký kết hôn được thì UBND cấp xã tiến hành đăng ký kết hôn lưu động. Ngoài các trường hợp quy định, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp xã quyết định tổ chức đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn lưu động.

Thời gian qua, để tạo điều kiện cho người dân và thực hiện các quy định nói trên, một số địa phương đã tổ chức thực hiện đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động cho người dân, như Bình Dương, Đồng Tháp,... Trong đó tại Bình Dương, việc đăng ký hộ tịch lưu động nằm trong chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Sở Tư pháp tỉnh, nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, Sở Tư pháp tỉnh này đã phối hợp với UBND thị xã Bến Cát và UBND thị xã Dĩ An tổ chức đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động tại các xã, phường. Còn tại tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2017, UBND xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự đã đưa vào thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính lưu động các ngày nghỉ cuối tuần. Bằng cách lập các tổ lưu động đến từng ấp trên địa bàn, người dân được cán bộ tư vấn, giải đáp, hướng dẫn các thủ tục đảm bảo việc đăng ký được thuận lợi. Thời hạn trả kết quả đăng ký khai sinh, khai tử, lưu động không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

Nhìn chung, qua triển khai ở các địa phương, mô hình đăng ký hộ tịch lưu động được người dân đồng tình, vì không phải đi xa, tiết kiệm thời gian, chi phí. Tuy nhiên, qua phản ánh của nhiều địa phương, việc triển khai đăng ký lưu động cũng gặp khó khăn do cán bộ tư pháp nhiều nơi còn mỏng lại kiêm nhiệm nhiều việc. Bên cạnh đó, những cuộc đăng ký lưu động cũng cần có thời gian và nguồn kinh phí. Nếu có giải pháp tháo gỡ những vấn đề này thì việc người dân được hưởng lợi từ mô hình đăng ký hộ tịch lưu động sẽ nhiều hơn.