Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Tiền mất, tật mang” vì kinh doanh đa cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh doanh đa cấp được pháp luật cho phép, nhưng nghịch lý ở chỗ lại đang là nỗi nhức nhối của xã hội.

Hệ lụy của loại hình kinh doanh này khiến nhiều người, trong đó có đối tượng sinh viên tham gia bị lừa đảo dẫn tới “tiền mất, tật mang”. Các công ty đã có những thủ đoạn, mánh khóe gì khiến nhiều sinh viên trở thành nạn nhân của đa cấp biến tướng? Giải pháp nào để làm lành mạnh loại hình kinh doanh này? Báo Kinh tế & Đô thị có loạt bài làm rõ vấn đề này.

Bài 1:  Khi sinh viên sập “bẫy”

Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều sinh viên ngoại tỉnh phải kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Không ít sinh viên dính “bẫy” bán hàng đa cấp biến tướng, lâm vào cảnh nợ nần.

Vay tín dụng đen để “làm giàu”

Anh Nguyễn Thanh Bình (quận Ba Đình) cho biết, cô em gái vừa chân ướt chân ráo nhập học năm thứ nhất đã bị dụ dỗ dính vào đa cấp. Một thành viên trong Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) đã gạ gẫm em mang thẻ sinh viên ra quán cầm đồ vay 8,5 triệu đồng mua hàng với lãi suất 35.000 đồng/ngày. Sản phẩm được quy đổi so với số tiền là các lọ thực phẩm chức năng, không có hóa đơn. Trong khi, những lọ thực phẩm chức năng này không thể bán được cho ai vì sản phẩm không có tên tuổi, thương hiệu, không rõ công dụng. “Hướng giải quyết của chúng tôi là gặp trực tiếp nhân viên trên để trả lại sản phẩm, đồng thời chịu mất phần nào để lấy lại tiền. Không biết có cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết việc này” – anh Bình băn khoăn.
Một khóa học bán hàng đa cấp với sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ.
Một khóa học bán hàng đa cấp với sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ.
Nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Asian cũng lên tiếng vạch mặt chiêu trò của Công ty Vietnet khi dụ dỗ các em vay tín dụng đen mua sản phẩm qua hình thức tìm cơ hội việc làm. “Các anh chị cho biết rất thành công sau khi tham gia vào mạng lưới nên tư vấn cho chúng em tham gia, nếu gặp khó khăn, các anh chị sẽ hỗ trợ. Số tiền chúng em đi vay tín dụng đen được dùng để mua lô thực phẩm chức năng kèm hợp đồng trở thành cộng tác viên bán hàng của Vietnet. Các anh chị chia sẻ, số tiền thu về sẽ cao hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra khiến chúng em rất tin tưởng” – Hoài Thương - sinh viên trường Cao đẳng Asian chia sẻ.

Đó chỉ là số ít trong vô vàn các trường hợp sinh viên bị lôi kéo tham gia và trở thành nạn nhân của các công ty kinh doanh đa cấp biến tướng. Một thành viên trang Facebook “Tẩy chay đa cấp lừa đảo” từng tham gia bán hàng đa cấp chia sẻ, rất nhiều sinh viên không đòi lại được tiền bởi những cái "bẫy" được quy định khi ký hợp đồng với công ty. Cụ thể, quy định chỉ trả lại hàng còn nguyên vẹn, trong khi các em bị dụ bóc thử các sản phẩm ra để sử dụng. Ngoài ra, phía công ty còn dùng nhiều chiêu trò để từ chối việc giải quyết đòi lại tiền của các nạn nhân.

Nhận diện mánh khóe

Nếu tra cụm từ "đa cấp lừa đảo" trên Google, có khoảng 700.000 kết quả hiển thị. Theo kinh nghiệm chia sẻ của những người từng dính vào bán hàng đa cấp, đa phần nạn nhân là các sinh viên năm thứ nhất người ngoại tỉnh, có nguyện vọng tìm việc làm thêm. Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng trong mạng lưới kinh doanh đa cấp đã tiếp cận, gạ gẫm các em bằng viễn cảnh làm giàu không khó. Các em bị dụ dỗ vay tiền lãi suất cao để đầu tư kinh doanh đa cấp. Khi dính “bẫy”, để lấy lại tiền, các em phải tiếp tục đi lừa người khác, chủ yếu là bạn bè, người thân, tiếp tay cho các công ty đa cấp trong việc nhân rộng mạng lưới.

Các thông báo tuyển dụng cộng tác viên bán hàng đa cấp thường được trá hình qua các thông báo “Tuyển gấp”, “Tuyển nhân viên bán hàng thu nhập cao”... dán xung quanh các trường đại học, cao đẳng; hoặc đăng trên các trang mạng xã hội, các trang web tìm việc… Các công ty thường sử dụng chiêu bài tổ chức hội thảo hoành tráng, trưng bày siêu xe ngoài cổng, kích thích sự hưng phấn của những người tham gia. Người diễn thuyết ăn nói hoạt ngôn, quảng cáo về công ty, sản phẩm rất bài bản, tạo được lòng tin của những người mới tham dự. Đối với các sinh viên, khi được các đàn anh, đàn chị ăn mặc bảnh bao, nói chuyện lịch sự, tư vấn nhã nhặn sẽ dễ xiêu lòng.

Ngoài ra, các sản phẩm được thông tin rất dễ bán, thu nhập lại cao, đánh vào tâm lý của những người có nhu cầu tìm việc. Để trở thành thành viên, đa số đều phải đóng tiền, tùy sản phẩm của từng công ty. Đối với vốn bỏ ra, họ bảo sẽ thu về rất nhanh: Bạn bỏ tiền ra, được sử dụng sản phẩm uy tín, đồng thời trở thành nhân viên công ty. Sau đó, bạn mời thêm người B vào công ty, người B cũng phải đóng tiền để trở thành nhân viên, số tiền người B đóng vào sẽ được trích phần trăm cho bạn. Người B giới thiệu người C, phần trăm người C cũng được trích cho bạn, bạn không phải làm gì, tiền vẫn đổ về tài khoản...

Phan Hoài Thu – một sinh viên từng tham gia bán hàng đa cấp chia sẻ: “Khi tham gia mạng lưới, ai cũng cảm thấy phấn khích, mong muốn làm giàu. Nhiều người sa lầy, phải bỏ thêm tiền ôm hàng để không bị rớt lại, tiếp tục duy trì đủ điểm, lên cấp, trong khi việc trả lại hàng rất khó. Khi hàng tồn kho quá nhiều, không tiêu thụ nổi, họ phải chấp nhận trả, bán lỗ”.

Đã có sinh viên tự tử

Hiện nay, một lượng lớn sinh viên đã và đang là thành viên của các công ty bán hàng đa cấp. Câu hỏi đặt ra, sinh viên không có tiền, vậy các công ty này làm thế nào để các em phải bỏ tiền tham gia? Khi lâm vào cảnh nợ nần, bị đòi nợ, xiết nợ, có những sinh viên đã nghĩ quẩn hoặc làm liều. Trường hợp một nữ sinh viên của Đại học Thương mại bị dụ dỗ vay tín dụng đen để tham gia bán hàng đa cấp tại Vietnet, do không trả nợ được đã tự tử nhưng may mắn được phát hiện, cứu sống kịp thời xảy ra hồi đầu năm 2015 là vụ việc hết sức đau lòng. Hay hôm 9/9, tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), nữ sinh viên Nguyễn Thị Hà (SN 1994) do vay 24 triệu đồng tại một hiệu cầm đồ để mua sản phẩm của Công ty Vietnet, đã tự dàn dựng vụ bắt cóc, tống tiền gia đình mình để lấy tiền trả nợ tín dụng đen.

Một trường hợp bị chính đồng nghiệp của mình tấn công, hành hung vì tìm cách thoát bẫy lừa đa cấp là Vũ Tuyết Nhung - sinh viên năm thứ nhất một trường đại học tại Hà Nội. Trước đó, Nhung tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp của Vietnet có trụ sở tại phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm). Khi mới đi làm, Nhung được tư vấn vay tín dụng đen để có tiền mua sản phẩm, đây cũng là điều kiện để công ty công nhận cộng tác viên. Sau một thời gian tham gia, Nhung quay lại chi nhánh công ty với ý định xin rút lại khoản tiền đã nộp, đồng thời thu thập bằng chứng cho thấy công ty đã vi phạm Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra ý định của Nhung, các đồng nghiệp đã đồng loạt lao vào đánh Nhung tới tấp. Nhung đã được cơ quan điều tra giới thiệu đi khám để có cơ sở xử lý vụ việc.
(Còn nữa)