Thanh toán quét mã QR Code phủ sóng từ thành thị đến nông thôn
Vài năm gần đây, thanh toán không tiền mặt, thanh toán di động đang trở thành một xu hướng phổ biến với nhiều người. Theo đó, chỉ cần quét mã QR Code và nhập số tiền cần thanh toán, bấm chuyển là khách hàng có thể thanh toán nhanh chóng. Nhờ sự tiện lợi, nhanh chóng, phương thức thanh toán quét mã QR Code đã phủ sóng từ thành thị đến nông thôn, từ nhà hàng lớn, tới gánh hàng rong...
Thực tế, dạo qua một vòng các tuyến phố, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, không chỉ các cửa hàng lớn, mà nhiều quán bán rau, thịt cá cũng thanh toán bằng QR code.
Ra chợ chỉ mang theo điện thoại là thói quen mà chị Đồng Thị Kim Thu ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức duy trì trong vài năm gần đây. Theo chị Thu, việc thanh toán quét mã QR đơn giản hơn rất nhiều so với việc dùng tiền mặt như trước đây. “Tôi không phải mang ví tiền, chỉ cần mang một cái điện thoại thông minh thôi. Khi thanh toán, tôi chỉ cần dùng điện toại để quét mã QR. Thao tác rất đơn giản, nhanh chóng” – chị Thu đánh giá.
Chị Nguyễn Thị Hương bán xôi tại cổng khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) gần đây cũng tạo mã QR Code cho khách hàng thanh toán. Tay thoăn thoắt gói xôi, chị Hương vừa nhìn màn hình kiểm tra giao dịch thành công của khách vừa quét mã QR. “Ưu điểm của thanh toán bằng mã QR Code đơn giản và nhanh hơn rất nhiều. Tôi không phải trả lời cung cấp thông tin cho từng khách hàng trong lúc đông khách. Ngoài ra, cũng không phải lo trả lại, tiền thừa, tiền thiếu” – chị Hương chia sẻ.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng để các tỉnh, thành phố thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.
Mới đây, huyện Đông Anh đã ra mắt tuyến phố 4.0 “Thanh toán không dùng tiền mặt”. Tuyến phố này được triển khai đồng loạt tại các điểm chợ, siêu thị trên địa bàn xã Vân Hà và Cổ Loa. Người dân sẽ sử dụng mã QR code để thực hiện giao dịch mua bán.
Bí thư Huyện đoàn Đông Anh Lê Thế Chuyên cho biết, mục tiêu của kế hoạch là phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ vận động, hướng dẫn 50% tiểu thương sử dụng thành thạo công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, tuyến phố kinh doanh.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam Nguyễn Hoàng Long cho biết, tăng trưởng thanh toán qua mã QR đã đạt hơn 150%. Trong đó, khu vực nông thôn, vùng cao đóng góp đáng kể với độ phủ ngày càng lớn. Mục tiêu đến năm 2025, 80% người tiêu dùng từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán không tiền mặt, mã QR chính là cách để xoá đi khoảng cách số giữa vùng cao với các đô thị, giúp mục tiêu phổ cập thanh toán số tới đồng bào có thể sớm đạt kết quả.
Cảnh giác các rủi ro
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, hình thức thanh toán này lại cũng tiềm ẩn những rủi ro về an toàn, an ninh mà người dùng cần lưu ý khi sử dụng.
Mới đây một cửa hàng ăn trên địa bàn quận Cầu Giấy tá hỏa phát hiện thất thoát doanh thu do bị kẻ gian đánh tráo mã QR Code thanh toán. Chị Trần Hải Yến – chủ nhà hàng này cho hay, mã QR được chị dán tại mỗi bàn ăn cho khách dễ thanh toán. Cũng do bận làm hàng nên thông thường mỗi khi khách thanh toán chị chỉ nhìn giao dịch thành công của khách hàng, mà không để ý thông báo đã nhận được tiền hay chưa. Đến buổi trưa ngày 21/8, sau khi một lượt khoảng hơn chục khách hàng thanh toán chuyển khoản mà không nhận được tiền, chị mới phát hiện ra mã QR Code tại cửa hàng đã bị kẻ gian dán đè mã khác lên.
Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, hành vi cố ý đánh tráo, dán đè mã QR Code nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến mức phạt tù cao nhất lên đến chung thân. Ngoài ra, nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng (Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS)
Ngoài rủi ro trên, mới đây vào đầu tháng 8/2023, một ngân hàng đã phát cảnh báo tình trạng lừa đảo thẻ tín dụng thông qua mã QR. Cảnh báo cho biết kẻ gian sau khi kết bạn qua mạng xã hội để trao đổi với nạn nhân sẽ gửi mã QR để người dùng quét. Mã này dẫn tới các website giả mạo ngân hàng, trong đó yêu cầu người dùng nhập thông tin họ tên, số CCCD, tài khoản, mã bí mật hoặc OTP. Từ đó, người dùng bị chiếm tài khoản.
Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Công nghệ An ninh mạng NCS Vũ Ngọc Sơn cho biết, bản chất QR Code không phải mã độc tấn công trực tiếp mà chỉ là trung gian để chuyển tải nội dung. Phần mềm tạo mã QR không thu thập thông tin cá nhân. Dữ liệu mà nó thu thập và hiển thị cho người tạo mã bao gồm vị trí, số lần mã được quét, thời gian và hệ điều hành của thiết bị quét chứ không thu nhập những thông tin cá nhân của người sử dụng. Bản thân mã QR cũng không thể bị hack, các rủi ro bảo mật liên quan đến mã QR bắt nguồn từ đích đến của mã QR chứ không phải do mã đó.
Tương tự như vậy, thanh toán bằng QR Pay qua mã code không thu thập thông tin cá nhân và rất khó bị hack nên rất an toàn. Vì vậy, người dùng có bị tấn công hay không phụ thuộc vào cách xử lý nội dung sau khi máy quét ánh xạ từ QR Code ra nội dung ban đầu. “Người dùng sau khi quét mã QR dẫn tới đường link, cần kiểm tra tên miền có quen thuộc không và nếu nghi ngờ thì tuyệt đối không bấm vào. Đối với doanh nghiệp, cần quán triệt nhân viên không quét mã QR trong email để hạn chế nguy cơ bị tấn công và bảo đảm an toàn cho tài khoản” – ông Sơn khuyến cáo.