Tiễn ông Công, ông Táo về trời: Phong tục biến chuyển theo thời gian

Linh Anh - Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (4/2), ngày 23 tháng Chạp âm lịch, theo phong tục truyền thống của người Việt Nam là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Trong lịch sử ngàn năm, phong tục này đã có nhiều biến chuyển, phù hợp với lối sống thời hiện tại.
Xu hướng làm lễ sớm

Nếu như trước đây, nhiều người quan niệm ngày tiễn ông Công ông Táo phải là ngày 23 tháng Chạp, thì nhiều năm trở lại đây, các gia đình đã linh hoạt thời gian làm lễ cúng. Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giao hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết, nhiều Phật tử đến bày tỏ với ông gia đình họ tổ chức cúng lễ ông Công, ông Táo ngay sau ngày rằm tháng Chạp. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị ở các chợ Đông Hồ (Đống Đa), Hàng Mã và chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm), đồ lễ cúng ông Công ông Táo đã tiêu thụ tấp nập từ hơn một tuần nay; cao điểm từ ngày 30/1 - 4/2/2021 (tức ngày 18 - 23 tháng Chạp năm Canh Tý).
Các mặt hàng cúng ông Công, ông Táo trên phố Hàng Mã: Ảnh: Duy Khánh
Theo chủ cửa hàng bán đồ mã Minh Nga (phố Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), giá cả các đồ hàng mã không có nhiều sự biến động so với mọi năm và so với những ngày thường. Giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo dao động từ 35.000 - 200.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ; quần áo từ 10.000 - 25.000 đồng/bộ; ngựa từ 20.000 - 80.000 đồng/con tùy loại; tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá khoảng 25.000 đồng…
Ngoài đồ vàng mã, cá chép thì mâm cỗ cúng Tết ông Công, ông Táo cũng được nhiều gia đình coi trọng, do vậy, các mặt hàng như gà, xôi, hoa quả cũng khá đắt hàng. Cụ thể, giá gà cúng từ 220.000 - 300.000 đồng/con, giá xôi từ 20.000 – 50.000 đồng/đĩa. Ngoài ra, dịch vụ đặt mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo cũng đã xuất hiện theo nhu cầu, giá một mâm cỗ dao động từ 1.200.000 - 1.600.000 đồng.

GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian bày tỏ: Phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta không phải là một hủ tục mê tín dị đoan. Đó là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.Tín ngưỡng này thờ cúng các vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình, theo dõi những việc làm tốt của gia chủ.
Ngày nay, dù lễ cúng, hiện vật bày cúng, thời gian cúng có nhiều thay đổi nhưng về cơ bản tín ngưỡng này giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người tích cực làm việc tốt, sống lương thiện nên GS Trần Lâm Biền cho rằng người Việt cần tiếp tục được duy trì. “Sau khi tiễn ông Táo về trời, các gia đình sẽ tiến hành dọn dẹp, lau rửa lại ban thờ, rút tỉa chân hương bát nhang để đảm bảo không gian thờ cúng thanh tịnh, sạch sẽ nhất cho ông Công, ông Táo trở về vào đêm 30” - GS Trần Lâm Biền phân tích.
Thả cá chép văn minh

Một trong những nghi thức cúng ông Công, ông Táo của người miền Bắc là tục cúng và thả cá chép. Lý giải điều này, GS Nguyễn Chí Bền cho biết, trong tâm thức dân gian, cá chép sẽ hóa thành rồng, sau đó rồng sẽ bay được lên trời. Vì thế, cá chép là “phương tiện” duy nhất giúp Táo quân lên trời. Tuy nhiên, tục lễ cúng cá chép này thường chỉ diễn ra chủ yếu ở miền Bắc, người miền Trung hay thay cá chép bằng ngựa giấy, còn người miền Nam thì đơn giản hơn nữa khi thay bằng đôi hia.

Ghi nhận ở Hà Nội, những điểm thả cá chép quen thuộc của người dân là Hồ Tây, Hồ Gươm, cầu Long Biên. Những năm trước, sau những ngày cúng ông Công, ông Táo, toàn bộ không gian một góc hồ, sông sẽ bị ô nhiễm nặng vì tình trạng túi nilon vứt bừa bãi, tro, bát hương, bàn thờ trôi bập bềnh trên mặt nước. Tuy nhiên, từ năm 2020, rất nhiều nhóm tình nguyện viên như nhóm Cá chép, nhóm Việt Lộc… cắt cử thành viên đứng ở các vị trí chính để nhắc nhở và hỗ trợ người dân để đồ vào đúng nơi quy định. Chi hội phụ nữ các phường cũng tăng cường nhắc nhở hội viên.
Cô Đỗ Xuân Hoa - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 8 phường Bưởi (quận Tây Hồ) cho biết, tại những bậc dẫn xuống Hồ Tây đều có người của Hội trực để nhắc nhở người dân vứt túi nilon đúng nơi quy định, cùng với đó là tuyên truyền về việc không vứt tro, bát hương, bàn thờ... xuống hồ. Đa phần người dân năm nay đã ý thức trong việc thả cá chép, họ tự tay bắt cá thả xuống hồ sau đó thu lại túi, vứt đúng nơi quy định. Những hành động này đã giúp nét đẹp của phong tục thêm ý nghĩa.