70 năm giải phóng Thủ đô

Tiền phạt tăng, vi phạm giảm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hơn 3 tháng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tiến hành kiểm tra xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng trên toàn quốc, kết quả cho thấy số vụ vi phạm đã giảm, nhưng số tiền phạt tăng.

Tiền phạt tăng, vi phạm giảm - Ảnh 1

Theo cơ quan quản lý, mặc dù đã được kiểm tra quyết liệt, nhưng tình trạng này chỉ có thể giảm, khó có thể chấm dứt. Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KHCN (ảnh bên) đã trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị về vấn đề này.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế nào mà Bộ KH&CN triển khai tổng kiểm tra xăng dầu trên toàn quốc vào năm 2012, thưa ông?

- Cuối năm 2011, đầu  2012, trên phạm vi cả nước rộ lên tình trạng cháy nổ xe cơ giới, nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân khiến dư luận hoang mang, người tiêu dùng lo ngại, nhất là chất lượng xăng dầu. Trước tình hình đó, một mặt Bộ KHCN phối hợp với nhà khoa học, cơ quan quản lý xác định làm rõ nguyên nhân tình trạng cháy nổ xe cơ giới; mặt khác, ngay thời điểm tháng 3 - 4/2012, Bộ phát động kiểm tra xăng dầu trên toàn quốc rất quyết liệt. Tuy nhiên, làm đợt đó chưa đủ, Bộ đã ra văn bản số 591 đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan triển khai tổng thể trên toàn quốc về đo lường và chất lượng xăng dầu đợt 2 vào tháng 6 - 8/2012. Bên cạnh đó, tình trạng sang chiết, bớt lượng gas, và hiện tượng cháy nổ vẫn xảy ra nên Bộ cũng đã tiến hành tổng kiểm tra đo lường và chất lượng khí dầu mỏ hóa lỏng. Trong đó có liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước và sở hữu trí tuệ. Cuối tháng 10/2012, Bộ sẽ tiến hành tổng hợp và công bố trước công luận về đợt tổng kiểm tra này.

Tiền phạt tăng, vi phạm giảm - Ảnh 2

Người tiêu dùng mong mỏi các doanh nghiệp xăng, dầu minh bạch hơn trong kinh doanh. Ảnh: Phạm Yên

Sau các đợt kiểm tra, cho đến nay tình trạng gian lận về đo lường và chất lượng đã giảm đáng kể, cháy nổ được hạn chế nhất định, không còn hiện tượng cháy nổ rộ lên như cuối năm 2011, đầu 2012. 

Qua các đợt tổng kiểm tra khác nhau trong từng năm, ông thấy tình trạng kinh doanh xăng dầu như thế nào? Nếu thanh tra chuyên đề diện rộng xăng dầu năm nay, nhưng sang năm lại dành cho lĩnh vực khác, liệu tình hình có ổn định? 

- Qua 3 cuộc thanh tra năm 2003, 2008 và 2012 cho thấy, tỷ lệ vi phạm đã giảm lần lượt từ 29% xuống còn 18% và 12%. Như vậy, khi quản lý Nhà nước được tăng cường thì hiện tượng gian lận giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, số tiền xử phạt cũng tăng lên nhiều (trên 5 tỷ đồng). Trước đây, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của 53 cơ sở gắn chíp, lần này đã thu hồi của gần 60 cơ sở.

Trong quá trình kiểm tra, mặc dù kinh phí eo hẹp, các đoàn kiểm tra phải lấy gần 900 mẫu, chi phí hơn 3 tỷ đồng tiền thử nghiệm. Để chấm dứt hoàn toàn rất là khó. Tình trạng gian lận về đo lường và chất lượng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phức tạp hơn nhiều, do họ bán trên tàu thuyền, di chuyển nhiều nên cực kỳ khó theo dõi.  Tình trạng vi phạm tạm nhập tái xuất cũng phức tạp không kém, trong khi tạm nhập nhiều nhưng tái xuất ít. Bởi nếu nhập chính xác thì phải có kiểm tra nhà nước, còn tạm nhập tái xuất không cần phải kiểm tra. Tạm nhập nhưng không tái xuất thì không ai kiểm tra chất lượng xăng dầu đó. Đây là một kẽ hở. Một hiện tượng nữa cũng cần được tăng cường là người kinh doanh pha trộn các thành phần khác vào xăng A83 để nâng cao chỉ số Oc-tan lên A92 hoặc A95, điều này tiềm ẩn gây ra những chất lạ không kiểm soát được.

Kinh phí kiểm nghiệm xăng dầu ít dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm nghiệm. Ông có đề xuất gì với các tỉnh trong quá trình tiến hành thanh tra?

- Các đợt thanh tra, cơ quan quản lý không nên lấy mẫu tràn lan vì kinh phí không cho phép. Các cơ sở vi phạm về đo lường và chất lượng phải có thông tin cụ thể qua phương tiện truyền thông đại chúng và qua người tiêu dùng, vì hầu như các Sở KHCN đều có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin xác định điểm để tập trung theo dõi. Có thông tin mới theo dõi, xác định đưa các lực lượng đến lấy mẫu để kiểm tra. Nếu lấy mẫu tràn lan không có kinh phí thì tập trung vào những điểm nghi ngờ. Một số cán bộ lấy máy đo Oc-tan nhanh để kiểm tra, thấy có sai số lớn đi kiểm nghiệm, nếu không có sai số hoặc sai số bấp bênh ít, có thể do phương tiện kiểm tra chưa chính xác thì cũng không mang đi kiểm nghiệm lại. Còn những tạp chất khác rất khó, phải có phản ánh của người tiêu dùng hay cơ quan truyền thông đại chúng mới có  lực lượng đi kiểm tra được.

Xin cảm ơn ông!