Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII:

Tiền Phong vươn lên xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới bền vững

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Tiền Phong nằm ở phía Tây huyện Thường Tín, có diện tích đất tự nhiên trên 482,23ha, với 2.976 hộ, 10.450 khẩu ở 5 thôn. Hiện nay, 4 thôn: Bông len Trát Cầu, mộc dân dụng Thượng Cung, Điêu khắc mộc Định Quán được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề thôn Ngọc Động.

Cầu Tiền Phong được xây dựng từ nguồn xã hội hóa của Nhân dân và doanh nghiệp.
Cầu Tiền Phong được xây dựng từ nguồn xã hội hóa của Nhân dân và doanh nghiệp.

Thành quả từ sự đoàn kết

Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn chia sẻ: Ngày 1/8/2008, Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan có hiệu lực và đưa vào triển khai thực hiện, xã Tiền Phong bộn bề khó khăn, hộ nghèo còn nhiều. Trải qua thời gian, đến năm 2012 xã mới bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, khi đó các tiêu chí điện, đường, trường, trạm đều yếu, không đảm bảo.

Đảng bộ xã Tiền Phong xác định phải tập trung mọi nguồn lực của hệ thống chính trị, vận động Nhân dân cùng vào cuộc. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động được Đảng ủy, UBND xã đặt lên hàng đầu. Qua đó, người dân đã hiểu rõ và đồng thuận với chủ trương, cơ chế, chính sách, đồng hành hoàn thiện tiêu chí đưa xã về đích NTM năm 2019.

Cầu Tiền Phong được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.
Cầu Tiền Phong được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Trong đó, Tiền Phong đã huy động được sự đồng lòng, góp sức của người dân, cũng như tạo ra khối đoàn kết từ cán bộ đến Nhân dân. Cùng với đó, xã luôn được TP, huyện quan tâm cùng sự đóng góp của doanh nghiệp và Nhân dân để hoàn thành xã NTM với tổng nguồn lực 223 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực huy động từ Nhân dân với trên 20 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn cho biết: Một trong những công trình tiêu biểu của xã được xây dựng từ nguồn xã hội hóa thời điểm năm 2017 là con đường cụt xóm Cầu, Đội 6, thôn Trát Cầu. Con đường của xóm Cầu nhỏ hẹp, chỉ vừa 2 xe máy tránh nhau, đường lại vút đuôi chuột, không nối liền với đường chính. Người dân phải đi vòng mới ra được đường lớn.

Đường giao thông liên thôn xã Tiền Phong.
Đường giao thông liên thôn xã Tiền Phong.

Để giải quyết vấn đề, nhiều cuộc họp với các phương án được đưa ra, như: Cả xóm đóng góp hỗ trợ các gia đình bị mất đất nếu mở rộng đường… Tuy nhiên, khi đó dự trù kinh phí đền bù 250m2 đất ở của 6 gia đình là khá lớn. Nhưng sau khi thống nhất giữa các gia đình và thôn xóm cùng UBND xã đã đưa ra giải pháp người dân đồng thuận hiến 250m2 đất ở.

Huy động từ nguồn xã hội hóa

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong Lý Thu Doan: Ngoài ra còn có cầu Tiền Phong 2 bắc qua sông Nhuệ nối liền trung tâm xã Tiền Phong và khu công nghiệp làng nghề Tiền Phong, giúp người sản xuất hoạt động giao thương được thuận tiện hơn. Trước kia, trung tâm xã Tiền Phong và cụm công nghiệp làng nghề Tiền Phong cách nhau dòng sông Nhuệ.

Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tiền Phong vinh dự đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tiền Phong vinh dự đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Người dân muốn vận chuyển hàng hóa từ xã sang cụm công nghiệp phải đi vòng rất xa, hơn nữa vào những ngày mưa, đường trơn, việc đi lại càng vất vả. Từ nguyện vọng có cây cầu để Nhân dân thuận tiện đi lại phục vụ sản xuất, nên cầu Tiền Phong 2 đã được khởi công ngày 16/11/2018 bằng nguồn xã hội hóa.

Cầu được thiết kế dài 68,9m, rộng 7m. Tổng mức đầu tư 14,98 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện 9,98 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 5 tỷ đồng. Đây là hai trong nhiều công trình trên địa bàn xã Tiền Phong được xây dựng và hoàn thành bằng từ tinh thần đoàn kết, đóp góp của Nhân dân. Nhờ đó, xã Tiền Phong đã khoác lên mình chiếc áo mới đầy sức sống.

Trụ sở UBND xã Tiền Phong nằm ở khu vực trung tâm.
Trụ sở UBND xã Tiền Phong nằm ở khu vực trung tâm.

Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong Lý Thu Doan khẳng định: Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Đường giao thông từ xã đến thôn, đường nội đồng được thảm nhựa, bê tông 100%. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật với 29 trạm biến áp và 30km đường dây cùng hệ thống điện chiếu sáng phục vụ người dân làng nghề đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất.

Công tác giáo dục, văn hóa, y tế, vệ sinh môi trường được quan tâm. Hệ thống giáo dục 3 cấp học với cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ phục vụ công tác giảng dạy của thầy và trò. 5/5 thôn đều có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Hằng năm, người dân xã hội hóa, đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng các công trình và đồng hành cùng xã nhiều hoạt động.

Trường Mầm non Tiền Phong vừa được đầu tư xây mới.
Trường Mầm non Tiền Phong vừa được đầu tư xây mới.

Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn đạt 92%. Các gia đình trong xã sử dụng nước hợp vệ sinh với tỷ lệ 100%. Toàn xã hiện hiện chỉ còn 4 hộ nghèo. Nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả cũng được phát triển, nhân rộng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho Nhân dân với 60 triệu đồng/người/năm.

Với tinh thần quyết tâm cao, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia của đoàn thể và Nhân dân trong xây dựng NTM, Tiền Phong đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong thời gian qua để chuẩn bị hoàn thiện tiêu chí về đích NTM nâng cao vào năm 2024.