Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: "Lạm phát 2011 sẽ được kiểm soát tốt"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, lạm phát 2011 sẽ được kiểm soát tốt do ít chịu ảnh hưởng của yếu tố chu kỳ giá lương thực, thực phẩm và Chính phủ đã đặt ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.

KTĐT - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, lạm phát 2011 sẽ được kiểm soát tốt do ít chịu ảnh hưởng của yếu tố chu kỳ giá lương thực, thực phẩm và Chính phủ đã đặt ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Nghĩa, năm 2010, lạm phát cả năm ở mức 11,75% và được nhiều chuyên gia coi là vấn đề rất nghiêm trọng của nền kinh tế. Trong số các nhân tố tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng nổi bật lên là nhóm lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống và xăng dầu.

Nhóm lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống chiếm tới gần 40% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng biến động giá nông sản vừa có tính chu kỳ, vừa có tính thời vụ (chu kỳ 3 – 4 năm, thời vụ 1 năm một lần vào các tháng 11,12 năm trước và tháng 1, 2 năm sau). Năm 2010, nhóm này đồng thời chịu tác động của cả 2 yếu tố trên nên giá tăng rất mạnh.

“Theo tính toán của chúng tôi, chỉ riêng giá nhóm hàng này đã làm cho CPI tăng thêm 4% chủ yếu trong các tháng 1, 2 và 11, 12 của năm 2010. Ở đây cũng lưu ý một điểm là Chính phủ đã chủ động áp dụng một số biện pháp như hỗ trợ cho mua tạm trữ một số mặt hàng để tạo thu nhập cao hơn cho khu vực nông thôn”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng 3 lần nhưng giảm 2 lần nên chỉ tác động làm tăng chỉ số giá 1%, còn nếu để thị trường tự điều tiết, giá đã tăng cao hơn rất nhiều.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận xét: “Nếu loại trừ các yếu tố do tăng giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu và điều chỉnh học phí (giáo dục), lạm phát cơ bản chỉ 7,3%. Đây là một kết quả không tồi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay và không có điều gì phải quá lo ngại”.

Giải thích thêm về bối cảnh kinh tế trong nước, ông Nghĩa phân tích, so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam chịu tác động mạnh hơn bởi giá nhiên liệu đầu vào nhập khẩu. “Cấu trúc kinh tế của họ là vốn của xã hội tập trung cho khu vực tư nhân. Đây là khu vực hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều lao động, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra nhiều GDP nhất với năng suất cao, chi phí sản xuất tiếp tục giảm. Vì thế, hiệu quả đồng vốn của toàn xã hội cao, hiệu ứng lạm phát chi phí đẩy thấp”, ông Nghĩa phân tích.

Trong khi đó, vốn đầu tư của xã hội ở Việt Nam tập trung cho khu vực nhà nước khá lớn, kể cả tài chính công và doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp (thể hiện ở chỉ số ICOR trong khu vực kinh tế nhà nước cao) nên tăng sản lượng dù rất nhỏ cũng cần một khoản vốn đầu tư lớn hơn. Điều này có nghĩa là tổng cầu thường phải tăng mạnh hơn là cung nên giá cả trong nước tất yếu sẽ tăng mạnh hơn mỗi khi có biến động giá nhiên liệu và vật liệu đầu vào.

Dự báo về lạm phát năm 2011, chuyên gia này cho rằng, giá cả trong 2 tháng đầu năm có thể vẫn tăng cao do tác động mùa vụ và chu kỳ của lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, các tháng sau đó, chỉ số giá lương thực thực phẩm sẽ giảm mạnh. Vì vậy, nếu tính cả năm, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt do giá lương thực, thực phẩm đã qua yếu tố chu kỳ và Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhận định về những biến động dữ dội trên thị trường tiền tệ năm 2010, ông Nghĩa cho rằng, việc điều hành còn lúng túng, kết thúc gói kích thích kinh tế một cách vội vàng khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do giảm quy mô sản xuất không kịp. Lãi suất cho vay tăng bình quân từ 6,5% một năm lên 14,5% làm khả năng tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp cực kỳ khó khăn. Cũng vì thế, năm 2011, một trong những mục tiêu của Chính phủ là phải giảm được mặt bằng lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần