Tiến sĩ về quê làm nông nghiệp sạch

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bỏ công việc ổn định và cơ hội thăng tiến tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, vợ chồng anh Nguyễn Đức Chinh tìm về mảnh đất trù phú ven sông Đáy huyện Phúc Thọ, ngày ngày làm bạn cùng ruộng đồng, với mong muốn gây dựng nông trại canh tác hữu cơ thuận tự nhiên.

Anh Nguyễn Đức Chinh chăm sóc khu vườn canh tác hữu cơ ven sông Đáy. Ảnh: Lâm Nguyễn
Anh Nguyễn Đức Chinh chăm sóc khu vườn canh tác hữu cơ ven sông Đáy. Ảnh: Lâm Nguyễn

Lựa chọn của vợ chồng tiến sĩ

Chúng tôi ghé thăm nông trại hữu cơ Gen Xanh của vợ chồng anh Nguyễn Đức Chinh vào những ngày cuối tháng 5/2022. Giai đoạn mưa kéo dài suốt nhiều ngày khiến con đường nhỏ dẫn vào nông trại ngập ngụa bùn đất. Đó là con đường mà anh Nguyễn Đức Chinh và các cộng sự vẫn đi lại hàng ngày.

Còn nhớ giai đoạn đầu nghỉ việc để về làm nông trại, có không ít đám tiếu, người rỉ tai nhau, bảo vợ chồng anh chị "học cho lắm vào rồi về làm nông dân". “Nói thật là cũng có lúc cảm thấy tủi thân, mà rồi cũng dần quen. Về làm nông dân bận bịu nhiều thứ việc, nhưng được cái thoải mái đầu óc…” - chị Duyên chia sẻ.

Ít người biết, anh Chinh là Tiến sĩ nông nghiệp, còn chị Duyên - vợ anh, là Thạc sĩ. Hai người tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau đó cùng làm Thạc sĩ bên Australia. Ít lâu sau, anh Chinh hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Nhật Bản. Cả hai vợ chồng đã có từ 5 - 7 năm công tác tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.

Tháng 8/2020, chị Nguyễn Thị Duyên nghỉ việc tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để chuyên tâm phát triển mô hình rau hữu cơ. Trước đó, vợ chồng anh chị đã liên hệ với 35 hộ dân có đất nông nghiệp ven bãi sông Đáy thuộc địa bàn xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) để thuê mướn, phát triển mô hình canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên.

Không thể làm một lúc hai vai, tháng 6/2021, anh Chinh cũng xin nghỉ việc và cơ hội thăng tiến tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để cùng vợ phát triển mô hình trồng rau hữu cơ. Hai đồng nghiệp khác là anh Trần Văn Luyện và chị Nguyễn Thị Thanh cũng lần lượt theo chân vợ chồng anh Chinh, nghỉ việc ở Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cùng gây dựng lên khu vườn màu xanh ven sông Đáy.

Thị trường đón nhận tích cực

Từ khi nghỉ việc ở Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, ngày nào vợ chồng anh Chinh cũng dậy sớm xuống đồng. “Chỉ trừ những ngày mưa to gió lớn, hoặc giá rét quá thì chúng tôi nghỉ, chứ giờ một ngày không xuống đồng là thấy nhớ…” - anh Chinh nói, trong khi tay vén lá bắt sâu, nhìn không khác một nông dân thực thụ.

Khởi nghiệp với nguồn vốn không mấy dư dả, vợ chồng anh Chinh phải cố gắng để tiết giảm từng chi phí nhỏ nhất. Nhóm cộng sự trưng dụng thùng container làm nơi tập kết các loại rau củ quả để đóng bao gói, nấu nướng và ngả lưng sau những giờ làm việc. Họ tự làm hàng rào, đào mương thoát nước, xây bể lọc… Bao nhiêu vốn liếng, hai vợ chồng đều đổ vào đầu tư cho nông trại hữu cơ Gen Xanh.

Trên diện tích 2ha gom được của bà con nông dân xã Hiệp Thuận, anh Chinh và các cộng sự phát triển mô hình rau canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nông trại hiện có hàng trăm loại rau củ quả, mùa nào thức đó. Trung bình mỗi ngày, nông trại cung ứng cho thị trường từ 4 - 5 tấn rau củ quả hữu cơ các loại.

Hàng ngày, chị Duyên tổng hợp đơn hàng. Rồi sáng hôm sau, anh Chinh làm shipper chính, vận chuyển rau củ quả đến cho khách. Thấy chồng ngày ngày đi lại đường xa, chị Duyên bảo đang giục ông xã học bằng lái ô tô, sắp tới sẽ chắt chiu, mua một chiếc xe nho nhỏ để anh Chinh vận chuyển hàng hoá cho bớt vất vả.

Hiện nay, sản phẩm từ nông trại hữu cơ Gen Xanh ngày càng được nhiều người biết đến. Anh Chinh bảo đó là may mắn lớn, bởi làm nông nghiệp hữu cơ đã vất vả, việc tiêu thụ sản phẩm đôi khi còn khó khăn hơn nhiều.
Hôm chúng tôi đến nông trại, tình cờ bắt gặp hai người bạn từ nội thành ghé thăm Gen Xanh.

Một trong hai người bảo có cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm hữu cơ ở quận Thanh Xuân. Gần đây nghe nói nhiều đến rau hữu cơ mang “thương hiệu Gen Xanh”, nên tìm về thăm; nếu sản phẩm thực sự tốt thì sẽ đặt hàng cung ứng thường xuyên.

Ngoài một số cửa hàng và bếp ăn tập thể, Gen Xanh hiện đang cung cấp rau củ quả hữu cơ cho cư dân tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội. Trang fanpage “Gen Xanh - nông trại hữu cơ” trên facebook hiện có gần 4.000 lượt người theo dõi và liên tục tăng thêm trong thời gian gần đây. Đây là động lực giúp vợ chồng anh Chinh và các cộng sự phần nào yên tâm về đầu ra để tập trung sản xuất.

Niềm vui bên khu vườn màu xanh

Cái khó của làm nông nghiệp hữu cơ, theo anh Chinh là làm sao có thể cung ứng đến cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng với giá thành phù hợp nhất. “Sản phẩm hữu cơ không thể có giá cao hơn sản phẩm truyền thống” là kim chỉ nam, nguyên tắc trong đường hướng phát triển được vợ chồng anh Chinh tâm niệm.

Quy trình sản xuất nông nghiệp tại Gen Xanh dựa trên nền tảng “thuận tự nhiên”, song hành với đó là hai yếu tố công nghệ và bản địa. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu “5 không” gồm: Không phân bón hoá học, không thuốc bảo vệ thực vật hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng giống biến đổi gen.

“Trong phương thức canh tác hữu cơ ở Gen Xanh, cỏ dại chưa chắc đã có hại cho rau màu. Trong điều kiện cỏ thấp hơn cây trồng, chúng không cạnh tranh ánh sáng mà còn có tác dụng giữ nước, chống xói mòn, giữ hệ vi sinh vật có lợi trong lòng đất…” - anh Chinh chia sẻ về một trong những yếu tố thuận tự nhiên trong canh tác nông nghiệp hữu cơ.

Hệ thống tưới nhỏ giọt cũng được anh Chinh tự lắp đặt, áp dụng tại Gen Xanh từ quá trình học hỏi trong thời gian làm tu nghiệp sinh tại Israel, kết hợp với sử dụng cơ giới hoá trong quá trình làm đất sau thu hoạch. Cây trồng cũng được trồng luân phiên liên tục nhằm tăng năng suất.

Nếu như các mô hình canh tác hiện nay sử dụng nhiều các loại phân vô cơ thì mô hình canh tác hữu cơ tại Gen Xanh sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ. “Phân chuồng được chúng tôi thu mua và tự ngâm ủ bằng vi sinh vật để bảo đảm tiết kiệm chi phí và quản lý tốt vật tư đầu vào…” - anh Chinh cho hay.

Tổng hoà những giải pháp trên giúp Gen Xanh tiết giảm chi phí đầu vào cho sản xuất. Nhờ đó, các loại rau củ hữu cơ từ nông trại được cung ứng đến tay người tiêu dùng Thủ đô với mức giá tốt nhất. Không chỉ vậy, sản phẩm từ Gen Xanh đã được đánh giá và xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041.

Thời gian tới, vợ chồng anh Chinh, chị Duyên sẽ còn bận rộn hơn khi đang bắt tay vào trồng một số loại cây ăn quả ngắn ngày. Với nhiều người, có một công việc ổn định là mục đích sống, nhưng với anh Chinh, chị Duyên, được làm bạn mỗi ngày với khu vườn màu xanh, mang đến cho thật nhiều người tiêu dùng những sản phẩm tươi ngon nhất mới là hạnh phúc đích thực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần