Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy: Giữ tâm an rất quan trọng để giúp con học online hiệu quả

MAI THẢO
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về hình thức học trực tuyến, tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy khẳng định, cùng với giáo viên, phụ huynh cũng phải có hình thức hỗ trợ để trẻ có thể hào hứng, cảm thấy thú vị với phương pháp học này.

 Theo chị, cha mẹ cần chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức gì cho con trong bối cảnh giáo dục trực tuyến?

- Trước hết, phụ huynh cần thay đổi nhận thức là học trực tuyến giai đoạn này không phải là thay thế tạm như những mùa giãn cách trước mà sẽ là lâu dài, là giải pháp phải thực hiện ít nhất là hết học kỳ 1 năm nay. Đây là xu hướng tất yếu không phải chỉ năm học này mà có thể cho nhiều năm học tiếp theo nữa. Do đó, phụ huynh cần thay đổi tư duy cho rằng học trực tuyến là tạm thời nên con học thế nào thì học. Nhất là trong tình hình dịch bệnh, trẻ không thể đến trường được, học online là điều bất khả kháng, không muốn cũng buộc phải làm. Dạy học trực tuyến là nhu cầu cấp thiết hiện nay để ứng phó với tình hình dịch bệnh và sẽ là xu hướng tất yếu của giáo dục toàn thế giới trong tương lai, việc học của mỗi người sẽ song song vừa học trực tuyến vừa trực tiếp, học suốt đời, không chỉ trong mùa dịch.

Thứ hai, để giúp con học tốt, cha mẹ cần chuẩn bị cho con thiết bị công nghệ như máy tính, đường truyền mạng Internet phải ổn định. Điều này là khó với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên nhà trường xã hội cần có giải pháp quan tâm, tìm cách hỗ trợ các con. Học trực tuyến mà học từ điện thoại, mạng chậm là không học tốt được, nhất là với các trẻ lớn phải làm bài tập nhiều. Việc này tuy khó nhưng chúng ta phải cố gắng khắc phục, tôi rất mong xã hội quan tâm, hiện một số nơi đã có chương trình tặng máy tính cho giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đây cũng là tín hiệu đáng mừng.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy
Thứ ba, cha mẹ cần theo sát kênh giao tiếp online với giáo viên và nhà trường. Các trường đều có kênh giao tiếp với phụ huynh, thường qua zalo hoặc facebook. Cha mẹ phải nắm được tất cả quy định, những sự thay đổi, hướng dẫn từ nhà trường, từ giáo viên từng môn học để kịp thời hỗ trợ con, vì nếu không theo sát những thông tin từ thầy cô sẽ khó đồng hành cùng các con. Chẳng hạn như nhà tôi có hai con đang học trực tuyến nên kênh giao tiếp với thầy, tôi đều theo dõi mỗi ngày, trao đổi với thầy để biết các con đang học cái gì, điểm thi ra sao để phối hợp với giáo viên nhắc nhở các con về giờ giấc học tập, về việc làm bài tập...

Với những trẻ học cấp 1, cấp 2 cần có sự nhắc nhở của phụ huynh như phải nhắc con đi ngủ sớm, gọi con dậy sớm, cho con ăn sáng, nhắc con nghỉ ngơi thư giãn giữa các tiết học và trong ngày tạo cơ hội cho trẻ tập thể dục, vui chơi cùng gia đình… giúp con cân bằng giữa chơi và học, đảm bảo con có sức khỏe tốt, luôn tỉnh táo, có năng lượng để học tốt. Nghỉ dịch thời gian dài nên nhiều con còn ngủ nướng, dậy muộn … vì vậy phụ huynh cần theo sát, hỗ trợ con hoàn thành việc học trực tuyến tốt. Mùa dịch ở nhà học online là cơ hội tốt cha mẹ rèn luyện nhiều thói quen tốt cho trẻ từ chuyện ăn ngủ sinh hoạt cho đến khả năng tự giác, tự học, rèn thói quen đọc sách…

Vậy thì với những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, cần giúp con thế nào, thưa chị?

- Với học trò lớp 1 năm nay, sẽ có rất nhiều khó khăn cho các con, giáo viên, phụ huynh. Việc học online của trẻ không thể thiếu sự đồng hành của phụ huynh. Phụ huynh cần tìm hiểu những phần mềm trực tuyến để cùng học với con. Giáo viên dạy từ xa nên không thể cầm tay chỉ dẫn các con được. Cha mẹ cần theo sát các hướng dẫn từ nhà trường, từ thầy cô. Ví dụ như có trường dạy bằng zoom thì phải xem cách thức tham gia thế nào, cách tương tác với thầy cô trước, trong và sau giờ học. Có thể một hai tuần đầu phụ huynh nên ngồi học cùng con, kèm con, giáo viên sẽ hướng dẫn cả học sinh và phụ huynh, phụ huynh sẽ ôn lại với con khi ở nhà. Nhưng lưu ý phụ huynh không được học thay con, cố gắng giúp con thời gian đầu về mặt kỹ thuật online, không can thiệp vào công việc dạy học của giáo viên, tuyệt đối tránh la mắng các con. Các con có thể chưa quen, chưa thích nghi cách học mới, cha mẹ nên động viên khích lệ, kiên nhẫn cùng các con có thời gian làm quen với cách học mới.

Chị có nhận thấy là học trực tuyến như năm nay còn quá mới mẻ và là thử thách không nhỏ với cả thầy cô và học trò?

- Có một tin vui là các trường tại TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện các khóa tập huấn cho giáo viên cách dạy học trực tuyến. Tuần qua, tôi có tập huấn cách dạy học online cho các thầy cô trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Tân Phú. Qua khóa tập huấn 3 buổi các thầy cô được thực hành cách giảng dạy online sao cho hiệu quả, cách giao tiếp với học sinh, phụ huynh thế nào khi học trực tuyến. Tôi nhận thấy qua một số bài giảng mẫu của thầy cô trong quá trình thực hành có nhiều điểm sáng tạo, hấp dẫn … tôi tin là các con sẽ có những buổi học thật là vui.

Quan điểm của tôi là học ít nhưng hiệu quả, các con tương tác với thầy cô bạn bè, làm quen từ từ với chương trình học, với công nghệ. Tất nhiên là còn phụ thuộc vào nghệ thuật truyền đạt và phương pháp sư phạm của từng giáo viên nhưng nhìn chung các trường, các thầy cô đang rất nỗ lực để thích nghi với việc dạy online sao cho đạt hiệu quả cao nhất, do vậy phụ huynh đừng cảm thấy áp lực.
Riêng tôi đã dạy online cho nhiều đối tượng trong hơn hai năm qua, tôi thấy học online nếu có phương pháp cũng hiệu quả không kém gì học trực tiếp vì trên mạng có nguồn dữ liệu học thuật rất lớn, phụ huynh và các con có thể xem đi xem lại. Để chuẩn bị cho chương trình học năm nay, Sở Giáo Dục TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp giúp thầy và trò học online thuận lợi, ví dụ như tạo các bài giảng quay sẵn cho các cấp lớp, để các con có thể học bài ôn bài dễ dàng.

Hiện nay, nhiều phụ huynh phản ánh các con phải học online cả ngày, điều này không khác gì đưa chương trình trực tiếp vào trực tuyến, chị nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Hiện tôi cũng đang khuyến cáo các trường là dạy online không thể như dạy trực tiếp được. Phải giảm bớt số tiết, số phút mỗi tiết vì để học trò học quá lâu trên máy tính là rất mệt mỏi, người lớn còn không chịu nổi chứ đừng nói đến trẻ con. Nếu thời khóa biểu buổi sáng môn chính, chiều là các môn năng khiếu, hay xen kẽ giữa các môn lý thuyết và môn thực hành thì giảm ảnh hưởng xấu cho trẻ. Tốt nhất là học online chỉ nên học 1 buổi/ ngày hay giảm bớt số tiết trong 1 buổi, giảm bớt số phút trong 1 tiết, tránh cho thầy trò mệt và hại mắt khi online liên tục. Mong cha mẹ thông cảm là dạy trực tuyến chính thức như kỳ này là lần đầu áp dụng nên cũng sẽ còn điều chỉnh nhiều từ phía các cơ quan quản lý cũng như giáo viên.

Một số nơi lịch học vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và sau khi học thì tùy theo tình hình thực tế các trường sẽ tiếp tục có thay đổi phù hợp nhất. Nếu lịch học vô lý, gây hại cho trẻ thì phụ huynh cũng nên lên tiếng góp ý với nhà trường. Đây là lần học trực tuyến lớn nhất từ trước đến nay nên chắc chắn cần có thời gian để thực hiện và điều chỉnh sao cho hợp lý nhất. Cha mẹ cần thông cảm cho nhà trường, giúp con vượt qua khó khăn.

Học trực tuyến kéo dài có ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ?

- Nhiều phụ huynh sợ ảnh hưởng tâm lý con. Phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong tạo niềm vui cho con, động viên con học, đồng thời tạo niềm vui cho con ở nhà, ví dụ như cho con tập thể dục, cho con chơi đùa cùng người thân. Đồng hành cùng con trong học online, con có khó khăn gì thì hỗ trợ ngay . Kết nối về tình cảm rất quan trọng, không nên để con tự vật lộn mà phải hỗ trợ con trong việc học trực tuyến. Tạo tâm lý thoải mái cho con khi học trực tuyến, ngoài giờ học bố mẹ cần tạo nên những không gian sinh hoạt chung với các con để con cảm thấy vui vẻ, không áp lực với việc học mới mẻ này.

Trẻ bây giờ thích sử dụng thiết bị công nghệ nên nếu bố mẹ vì bận rộn cứ để trẻ với máy ipad, điện thoại cả ngày trẻ vẫn không cảm thấy buồn, khác với cha mẹ khi ở nhà quá lâu sẽ cảm thấy bí bách vì nhiều lý do. Điều này cũng có cái lợi nhưng cũng có cái hại, nếu không kiểm soát được thời gian và nội dung xem thì rất nguy hiểm.

Cho nên cha mẹ đừng quá lo lắng cho con trong mùa dịch, những tình huống khó khăn từ trải nghiệm của tôi và từ nhiều ca tham vấn trong mùa dịch hầu hết đều liên quan đến việc ứng xử với con. Cha mẹ hay nhắc nhở, la mắng trẻ nhiều quá, nói những câu tiêu cực trong khi ít động viên, không tạo niềm vui cho con khiến trẻ dễ phản ứng. Đặc biệt trẻ tuổi dậy thì là tuổi nổi loạn nên dễ gây mâu thuẫn, ở nhà lâu không phải là quá khó khăn với trẻ trừ những em năng động thì có thể cảm thấy hơi khó chịu một chút nên cha mẹ cần tạo những hoạt động thay thế tránh mỗi ngày lặp lại sẽ gây nhàm chán.

Với trẻ đang ở độ tuổi thành niên, bố mẹ có thể cùng con xem một bộ phim, cùng nghe nhạc với con. Trẻ nhỏ thì thích bên cha mẹ nhưng trẻ lớn không thích bên chúng ta lâu đâu. Ăn cơm xong có thể cả nhà cùng trò truyện, cùng nghe nhạc. Cha mẹ cũng cần chịu khó chấp nhận những cá tính ở trẻ, nếu việc gì không gây hại thì không nên phán xét, không nên góp ý tiêu cực. Ví dụ: như nhạc này cũng nghe, phim này mà cũng xem. Nếu cha mẹ giao tiếp tiêu cực thì sẽ gây mâu thuẫn nhiều hơn. Vì tuổi này các con muốn khẳng định mình, muốn độc lập, muốn được tôn trọng, lắng nghe.

Nếu cha mẹ không tuân thủ quy tắc giao tiếp với trẻ tuổi dậy thì chắc chắn sẽ gây mâu thuẫn xung đột vì chúng ta ở nhà nhiều với con. Chính cha mẹ nên học cách cân bằng tâm lý, cha mẹ căng thẳng do những khó khăn của dịch, ảnh hưởng về kinh tế và rất nhiều mối lo lắng khác khiến bị stress nên sẽ dễ nổi cáu, cho nên con chưa căng thẳng mà bị cha mẹ đã la mắng cũng dễ kích hoạt sự nổi nóng của con, vì cảm xúc thì dễ  lây lan. Vì vậy muốn con ổn và bình tĩnh thì trước tiên cha mẹ phải bình tĩnh trước đã. Giữ tâm trong an mùa dịch rất quan trọng trong việc dạy con, giúp con học online hiệu quả!

Xin cảm ơn chị!