Tiến tới cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phát triển Tổng công ty Giấy Việt Nam thành đơn vị kinh tế vững mạnh, là hạt nhân của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam; thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu như giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.464 tỷ đồng, tăng bình quân 12,5%/năm; doanh thu đạt 25.296 tỷ đồng, tăng bình quân 15,6%/năm; lợi nhuận đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%/năm; sản phẩm giấy các loại đạt 885.000 tấn, tăng bình quân 29%/năm; sản phẩm bột giấy thương phẩm đạt 225.000 tấn...

Để thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra, kế hoạch đưa ra các giải pháp thực hiện như tổ chức và mở rộng mạng lưới bán lẻ trong nước; đổi mới quy chế, thể thức bán hàng, giá bán phù hợp thị trường trong từng thời kỳ, xây dựng chính sách ưu tiên với các nhà tiêu thụ lớn, truyền thống, quan tâm đến việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, xây dựng hình ảnh của ngành Giấy Việt Nam "chất lượng - thân thiện môi trường".

Bên cạnh đó, phân tích và nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường, tổ chức mạng lưới tiêu thụ có hiệu quả, tạo điều kiện cho việc định hướng đầu tư trong những năm tiếp theo.

Phối hợp với các địa phương quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu giấy. Tổ chức triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư vùng nguyên liệu giấy.

Đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã, thiết bị đồ dùng học sinh, văn phòng phẩm

Một trong giải pháp về khoa học công nghệ là đầu tư nâng cấp thiết bị, nâng cao chất lượng các mặt hàng đang giữ thị phần cao như giấy in, giấy viết... Đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã, thiết bị đồ dùng học sinh, văn phòng phẩm để phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

Ưu tiên sử dụng "Công nghệ sạch" trong sản xuất giấy và bột giấy, giải quyết tốt các tồn tại về ô nhiễm, giảm thiểu chất thải ra môi trường. Hoàn thiện quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001.

Tiến tới cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam

Một trong các giải pháp quan trọng là đổi mới doanh nghiệp. Theo đó, sẽ cổ phần hóa các đơn vị thành viên, tiến tới cổ phần hóa Tổng công ty.

Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại các doanh nghiệp theo mô hình Công ty cổ phần. Xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động của các Công ty khi chuyển sang cổ phần hóa.

Nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của Tổng công ty trong giai đoạn từ 2010 - 2015 cần khoảng 6.500 tỷ đồng.