Tiến trình phát triển của đô thị Huế

[Tiến trình phát triển của đô thị Huế] Bài 1: Dưới thời các chúa Nguyễn

Anh Tuấn (Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huế luôn là vùng chiến lược nối giữa hai miền Bắc – Nam, từng là “phên dậu” của Đại Việt, nơi “đô hội lớn một phương”, thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô dưới thời vua Quang Trung và triều đại phong kiến cuối cùng nhà Nguyễn (1802-1945).

Lời TS: Một vùng đất từng được xem là “Ô châu ác địa” qua bàn tay của các bậc tiền nhân đã biến thành vùng đô hội, có vai trò kết nối 3 miền Bắc – Trung – Nam cùng nhau đi lên, đưa tầm vóc Đại Nam tỏa sáng rực rỡ trong khu vực. Để bạn đọc có cái nhìn tổng quan về mảnh đất này, báo Kinh tế & Đô thị đăng tải loạt bài về đô thị Huế từ lúc hình thành cho đến nay.

Từng là sính lễ để hỏi cưới công chúa Huyền Trân của vua Chăm Pa, thăng trầm lịch sử cứ lặng lẽ đắp bồi thêm những trang huyền sử cho vùng Thuận Hóa – Phú Xuân - Huế.  Đây luôn là vùng chiến lược nối giữa hai miền Bắc – Nam, từng là “phên dậu” của Đại Việt, nơi “đô hội lớn một phương”, thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô dưới thời vua Quang Trung và triều đại phong kiến cuối cùng nhà Nguyễn (1802-1945).

Ngược dòng thời gian, chúa Nguyễn Phúc Nguyên chọn vùng đất Phước Yên (Quảng Điền) làm thủ phủ vào năm 1626, chuẩn bị cho sự ra đời của vương quốc Đàng Trong, mở đầu cho tiến trình phát triển đô thị cấp quốc gia là Kim Long – Phú Xuân – Huế. Đó chính là bước ngoặt đầu tiên trong lịch sử phát triển đô thị ở Thừa Thiên Huế.

Kiếm tìm vùng “Thượng đô” cát địa

Trước bài toán lịch sử đặt ra, vào năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng mang biết bao hoài bão vượt dãy Hoành Sơn để tìm phương kế sinh tồn cho bản thân và dòng họ Nguyễn. Trước mắt Nguyễn Hoàng là một dãy núi chắn ngang (Hoành sơn nhất đái), và ông muốn tìm một vùng đất để yên thân nghìn đời (vạn đại dung thân). Đây cũng chính là thời điểm đánh dấu một mốc mới của xứ Thuận Hóa khi Nguyễn Hoàng đem đạo Trung nghĩa quân tử đệ vào trấn thủ, nhưng bước ngoặt phải đợi đến lúc người con thứ sáu của ông là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chính thức cầm quyền chức Tổng trấn tướng quân. Nguyễn Phúc Nguyên từng truy đuổi tàu buôn Nhật Bản (năm 1585) vì tưởng là tàu “giặc Tây Dương” ngoài Cửa Việt (Quảng Trị), sau đó được cử vào trấn thủ Quảng Nam (1601).

Một đoạn thành Lồi xây bằng gạch trong tình trạng hoang phế – đây được xem là đô thị đầu tiên trên đất Thừa Thiên Huế ra đời dưới thời Chăm pa.
Một đoạn thành Lồi xây bằng gạch trong tình trạng hoang phế – đây được xem là đô thị đầu tiên trên đất Thừa Thiên Huế ra đời dưới thời Chăm pa.

Khi vào Nam xây dựng cơ sở, tạo lập giang sơn riêng của mình là cả một quá trình vận động cam go và biến đổi không ngừng trên nhiều phương diện, trong đó có việc xây dựng, củng cố và xác lập thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất Đàng Trong.

Theo PGS.TS Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đô thị Thừa Thiên Huế ra đời từ thời Chăm Pa, mà dấu tích xưa nhất còn để lại là tòa thành cổ ở phía nam sông Hương, nhân dân thường gọi là thành Lồi, tiếp đó là thành Hóa Châu (làng Thành Trung, huyện Quảng Điền). Những đô thị này mang nặng yếu tố quân sự, trấn trị hơn là chức năng về kinh tế, văn hóa.

“Sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đóng dinh ở Phước Yên (1626-1635), tiếp đó các chúa Nguyễn đóng dinh ở Kim Long và Phú Xuân (từ sau năm 1636), song song với chức năng chính trị và quân sự là chức năng kinh tế mà hoạt động tích cực nhất là phố cảng Thanh Hà”, PGS. TS Đỗ Bang nhấn mạnh.

Quá trình lựa chọn nơi đặt lỵ sở của thế lực cát cứ họ Nguyễn kéo dài gần 200 năm, cùng với đó là quá trình nhích dần vào Nam và đứng chân hẳn bên bờ sông Hương. Trải qua các địa điểm Ái Tử (1558-1570), Trà Bát (1570-1600), Dinh Cát (1600-1626), rồi đến Phước Yên (1626-1636), Kim Long (1636-1687), Phú Xuân lần thứ nhất (1687-1712), Bác Vọng (1712-1738) và trở lại Phú Xuân (1738-1775) ở Thuận Hóa - Thừa Thiên Huế.

Sau năm 1626, chúa Nguyễn dời thủ phủ từ Quảng Trị vào Phước Yên, có thời là Bác Vọng (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhưng với thời gian quá ngắn, hai thủ phủ mới vẫn bám theo trục sông Bồ, chưa tạo được những đô thị mới. Phải đến giai đoạn phủ chúa dời lên Kim Long (1636), Đô thành Phú Xuân được thành lập, thời kỳ đô thị hóa lần thứ hai ở Thừa Thiên Huế lại được diễn ra, chuyển địa bàn từ thành Hóa Châu ở gần ngã ba Sình về phía nam mà trung tâm là khu vực Kim Long – Phú Xuân – Dương Xuân – Phủ Cam, tỏa rộng ảnh hưởng trên vùng nam bắc sông Hương, nối với cảng Thanh Hà, đặt nền móng cho việc đô thị hóa ở mức độ hoàn chỉnh hơn của Kinh đô triều Nguyễn sau này.

Sơ đồ Thủ phủ Phú Xuân giai đoạn 1687-1712. Ảnh: TS. Phan Thanh Hải
Sơ đồ Thủ phủ Phú Xuân giai đoạn 1687-1712. Ảnh: TS. Phan Thanh Hải

Vào năm 1636, làng Kim Long được chọn để xây dựng thủ phủ mới của các chúa Nguyễn. Cung thất, thành quách, dinh thự được dựng lên. Quy mô của thủ phủ được xây dựng lớn hơn và quá trình đô thị hóa cũng diễn ra mạnh mẽ hơn bởi những điều kiện thuận lợi mà Kim Long đem lại, với có địa thế rộng rãi, thoáng đãng, nằm sát bên dòng Hương Giang thơ mộng. Và nơi đây được xây dựng thành một “đô thị lớn”.

Dân cư đô thị đông, đội ngũ quý tộc, quan lại hiện diện tại Phú Xuân luôn đông đảo nên các công trình kiến trúc, công sở, dinh thự, tôn giáo tín ngưỡng được kiến thiết nhiều và theo thời gian ngày càng nguy nga, tráng lệ. Kiến trúc ở đây phát triển với khá nhiều thành tựu nổi bật ở cả kiến trúc cung đình và dân gian.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, việc chúa Nguyễn Phúc Thái dời phủ từ Kim Long về Phú Xuân là bắt nguồn từ truyền thống định đô của dân tộc. Kim Long không phải là cuộc đất bình thường theo cách nhìn của phong thủy. Nơi ấy có đồi Thiên Mụ ở phía tây, là nơi vượng khí đế vương tích tụ ở mạch đất, khiến cho Cao Biền – một thầy địa lý lừng danh bên Trung Quốc khi đến đây vào thế kỷ 9, đào hào để triệt tiêu cái mãnh lực siêu nhiên mà tướng ấy đã nhận ra được trên đồi này.

“Nơi ấy có núi Kim Phụng, chủ sơn của xứ Huế làm tiền án che chắn phía trước, có sông Hương uốn khúc như rồng lượn, chạy phía trước làm minh đường, có đồi Long Thọ mang tính chất đặc biệt theo lời các thầy địa lý, nằm tựa trên sông như chiếc gối và khai hoang đối diện chênh chênh với đồi Thiên Mụ, tạo ra thế địa lý được gọi là cửa ngõ lên trời và trục của quả đất”, TS Trần Đức Anh Sơn khẳng định.

Nhìn chung, diện mạo đô thị Kim Long đã khá rõ, nhưng vẫn nặng về một trung tâm chính trị - quân sự. Đó là nơi tập trung số lượng rất lớn quan lại, binh lính và sự phồn thịnh của một vùng đô hội.

Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thái (1649 – 1691) cho dời thủ phủ từ Kim Long về Phú Xuân (1687), đây chỉ là sự dịch chuyển của phủ chúa. Sự dịch chuyển này không đi quá xa hạt nhân đô thị cũ, chỉ cách 3km và không ra khỏi vùng đô thị đã được hình thành từ trước. Phú Xuân, với vị trí gần yếu tố “thị” (Thanh Hà) đã thừa hưởng trọn vẹn tính đô thị của vùng đô thị Kim Long. Thủ phủ mới thành lập – trung tâm chính trị quân sự của một cõi biên thùy, nằm gần một thương cảng lớn càng thúc đẩy quá trình giao lưu kinh tế hàng hóa.

Theo quan điểm địa lý phương Đông, đất Phú Xuân là nơi hội tụ các điều kiện lý tưởng để thực hiện việc định đô sau bao năm kiếm tìm. Khi phân tích về vùng đất này, Lê Quý Đôn đã hết lời ngợi ca: “Đất rộng, bằng như lòng bàn tay, rộng độ hơn mười dặm, ở trong đất cao, bốn bề đều thấp, tức là chỗ nổi bật giữa đất bằng ngồi vị càn (Tây Bắc), trông hướng tốn (Đông Nam), dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông; đằng trước là quần sơn, chầu về la liệt, toàn thu nước ở bên hữu, vật lực thịnh giàu”.

Sông Hương được chọn làm trục phát triển đô thị Huế. Ảnh: Anh Tuấn
Sông Hương được chọn làm trục phát triển đô thị Huế. Ảnh: Anh Tuấn

Lấy sông Hương làm trục phát triển đô thị

Đô thị Huế đầu tiên mang chức năng thành trấn (tức là “đô”), đến thời các chúa Nguyễn, đã mang đủ hai yếu tố “đô” và “thị” lại đan xen. “Đô” chính là trung tâm chính trị ở Kim Long, Phú Xuân, “thị” là chỉ phố cảng Thanh Hà. Đô và thị song hành ngày càng lớn mạnh theo xu thế chính trị cát cứ ngày càng cao và kinh tế hàng hóa ở trong nước, tác động luồng mậu dịch quốc tế ngày càng mạnh.

Theo mô tả của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, dọc sông Hương ở thượng lưu về phía bờ nam, có hai phủ là Dương Xuân và Phủ Cam. Ở phía trên nữa còn có phủ Tập Tượng; lại dựng điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực.

Nguồn sử liệu này còn mô tả chi tiết các nhà đều lát nền bằng đá, trên lát ván kiền kiền, có những máng xối được làm bằng kẽm để hứng nước, xung quanh trồng xen cây cối, thậm chí còn có nhiều cây mít, cây vả thân to tới vài người ôm.

Nhà cửa, doanh trại của binh lính, phủ đệ của các bậc thân vương, quan lại được bố trí kiểu ô bàn cờ dọc hai bờ sông Hương và sông An Cựu. Ở phía hạ lưu có phố chợ liền kề, buôn bán tấp nập nối liền với thương cảng Thanh Hà vẫn còn đang trong thời kỳ phồn thịnh.

Phố cảng Thanh Hà – Bao Vinh, nơi các thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán với các chúa Nguyễn tại vùng Kim Long, Phú Xuân. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế
Phố cảng Thanh Hà – Bao Vinh, nơi các thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán với các chúa Nguyễn tại vùng Kim Long, Phú Xuân. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Theo TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa&Thể thao Thừa Thiên Huế, trước khi gắn liền với hệ thống sông Hương để tạo nên đô thị Huế, thủ phủ của chúa Nguyễn đã trải qua năm lần dời dựng, thay đổi vị trí.

“Đây là những thời kỳ “quá độ” khá quan trọng để rút kinh nghiệm cho việc xây dựng đô thị Huế. Sau mỗi lần thay đổi và tái xây dựng, quy mô các thủ phủ lại càng lớn lên nhằm đáp ứng vai trò của vùng Thuận Hóa, rồi Đàng Trong ngày càng mở rộng. Vị trí của các thủ phủ dịch chuyển dần về phía nam và ngày càng tiến sát đến vị trí của Huế”.

Như vậy, quy hoạch đô thị của Đô thành Phú Xuân đã khá hoàn chỉnh về cơ bản, nó đã tương tự như quy hoạch Kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Dĩ nhiên, mức độ tập trung và quy hoạch đô thị của hai thời kỳ này chắc chắn là còn chênh lệch nhau rất nhiều.

Khi chọn vùng đất bên bờ sông Hương để xây dựng trung tâm chính trị đầu não của Đàng Trong thì mô hình: thánh địa (núi đồi) – trung tâm chính trị (đồng bằng) – cảng (biển) mới định hình rõ. Trung tâm chính trị này (Kim Long và sau là Phú Xuân) kết hợp với thánh địa – chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê (xa hơn nữa là núi chủ Kim Phụng) và cảng thị Thanh Hà (cùng cửa Thuận An phía biển) để tạo nên một kết cấu hoàn chỉnh.

Quanh đô thành Phú Xuân, quá trình đô thị hóa đã hình thành thêm những phường thợ thủ công, hàng hóa phát triển đã mở rộng thị trường địa phương và quan hệ buôn bán với nước ngoài.

Đô thành Phú Xuân đã đặt cơ sở để tiến tới hình thành Kinh đô của cả nước vào thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn. Nhưng do những biến động khốc liệt, với 11 năm bị quân Trịnh chiếm đóng, 15 năm nhà Tây Sơn phải tập trung giữ nước, chưa có điều kiện xây dựng Kinh đô, đặc biệt là sau năm 1804, vua Gia Long lại cho phá bỏ Đô thành cũ, điều chỉnh thế đất, thế sông để xây dựng kinh sư, cấu trúc đô thị của Phú Xuân bị thay đổi. Kinh thành Huế còn lại ngày nay chủ yếu là kết quả của thời kỳ đô thị hóa lần thứ ba diễn ra từ thời vua Gia Long, Minh Mạng và các đời sau.

Còn nữa