Tiền trường - điệp khúc lo lắng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông thường, cuộc họp phụ huynh (PH) đầu năm là để nhà trường thông báo, phối hợp cùng gia đình quản lý việc học tập của học sinh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều PH, bàn bạc chuyện học của con chỉ là phần ngoài lề, chủ yếu họp để thông báo và thu nộp các khoản phí đầu năm học. Và những khoản thu "vô lý" của sách tham khảo, các loại báo, tạp chí… lại khiến PH bức xúc.

Bức xúc vì… tự nguyện

Anh Phạm Văn Thủy - PH học sinh trường THCS Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết, sáng 20/9, nhà trường tổ chức họp PH, cuộc họp đầu năm diễn ra chóng vánh, giáo viên (GV) cũng chỉ nêu sơ qua việc học hành, còn mục đích chính là thông báo... đóng tiền. “Buổi họp phụ huynh đầu năm quá nhàm, GV nói qua loa việc học hành, 2/3 thời gian còn lại là phần việc của ban PH. Đáng nói, vấn đề quỹ lớp chẳng khác những năm trước, vẫn điệp khúc “tự nguyện”, Ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra mức cần đóng, sau đó xin ý kiến PH. Nói thật, việc này có hỏi đi hỏi lại đến cả ngàn lần thì cũng chẳng có PH nào "cả gan” phản đối” – anh Thủy bày tỏ.
Học sinh lớp 3 trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa trong giờ học Tự nhiên xã hội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh lớp 3 trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa trong giờ học Tự nhiên xã hội. Ảnh: Phạm Hùng
Anh Thủy cũng cho biết, năm nay, riêng quỹ lớp, quỹ trường cho con anh đã phải đóng 780.000 đồng, trong đó quỹ lớp là 700.000 đồng. Đấy là chưa kể các khoản đóng: Tin học (125.000 đồng), nước uống (60.000 đồng/5 tháng), tin nhắn điện tử (175.000 đồng), quỹ đội (18.000 đồng)... Khó chịu, bức xúc là tâm trạng của khá nhiều PH khi được hỏi về các khoản thu tự nguyện.

Qua ghi nhận của phóng viên tại một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Long Biên… dù các khoản thu bảo hiểm y tế, tiền học, tiền đồng phục… đã được nhà trường phổ biến, hướng dẫn thu theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT (tùy từng điều kiện, các gia đình có thể đóng một lần, có thể đóng dần từng tháng). Tuy nhiên, ngoài các khoản đã quy định, rất nhiều PH lại vô cùng khó chịu vì cũng phải “tự nguyện” mua các loại tạp chí, sách báo do nhà trường phát động, khuyến khích học sinh đăng ký mua.

Một PH có con học một trường tiểu học tại quận Hai Bà Trưng cho biết, để giảm gánh nặng cho PH, nhà trường đã phổ biến và thu tách từng khoản, thế nhưng lại yêu cầu học sinh mua hàng loạt tạp chí. “Trong số hàng loạt tạp chí: Tạp chí Cầu vồng, Ô tô, Công chúa… mỗi loại một giá tiền từ 60.000 - 280.000 đồng/quyển, tôi đã chọn mua một trong số tạp chí trên và nộp tiền cho con. Thế nhưng, GV đã trả lại tiền và yêu cầu ấn định phải tham gia mua từ 2 - 3 tạp chí trở lên… vì lớp không thể thua các lớp khác. Tôi nghĩ các con đến trường để học hành, chứ lớp học đâu phải chỗ thi đua lập thành tích mua báo. Việc ép học sinh phải mua báo là điều vô lý” – PH này bày tỏ.

Cũng bực mình vì không đặt mua báo, chẳng có thông báo nào từ phía nhà trường, GV, nhưng vẫn phải nhận những tạp chí do GV phát, một phụ huynh trường Mầm non Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bực mình vì con mới 4 tuổi chưa biết mặt chữ, thế nhưng khi đón con ở trường, GV cũng phát tạp chí để PH mang về cho con xem. “Biết đọc, viết đã đành, 3 - 4 tuổi dỗ ăn chẳng xong nói gì xem với đọc. Thật vô lý và khó chịu với cách ép PH kiểu này” –PH này bức xúc cho biết.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều ý kiến phản ánh của các bậc cha mẹ. Còn có PH than thở, đóng tiền mua báo nhưng có khi cả vài tháng chẳng có quyển nào, khi thắc mắc thì GV đưa luôn cho 2 - 3 quyển của một số. Có PH đóng tiền mua báo lại không nhận được, PH chẳng mua lại nhận được báo… Đó là tình trạng đã, đang xảy ra ở khá nhiều trường gây bức xúc cho PH.

Trao đổi về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm học mới, Sở đã chỉ đạo các nhà trường về nhiệm vụ năm học, trong đó yêu cầu các trường tuyệt đối không được ép HS mua các loại sách tham khảo, báo và tạp chí. “Theo sự phân cấp quản lý, chúng tôi sẽ yêu cầu Phòng GD&ĐT các quận, huyện để xảy ra tình trạng như đã phản ánh, yêu cầu rà soát, kiểm tra và báo cáo về Sở GD&ĐT. Trường nào vi phạm, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc” – ông Thống khẳng định.

“Đồng phục” vở viết

Bên cạnh những bức xúc với các khoản đóng góp “tự nguyện”, thì không ít PH còn cảm thấy khó chịu về chuyện “đồng phục” vở viết của HS. Chị Thanh Hoa có con đang học tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, không riêng gì chị mà PH lớp con chị bức xúc vì yêu cầu dùng vở đồng loạt mà nhà trường đưa ra. “Mua cả 20 quyển vở, chưa kể phần thưởng cuối năm của ban phụ huynh, tổ dân phố, của UBND phường, tổng số gần 30 quyển. Cuối cùng nhà trường yêu cầu dùng vở có in hình ảnh và tên trường chứ không dùng vở tự mua. Mặc dù chỉ 8.000 - 9 .000 đồng/quyển vở ô li, nhưng cả khối lớp 1 có gần 500 cháu, mỗi cháu ít nhất 20 cuốn vở, cộng vào lại thành số tiền không nhỏ. Trong khi vở bây giờ giấy đẹp còn có chống cả lóa mắt, tại sao lại cứ phải dùng vở của nhà trường? Quá lãng phí và bất tiện cho PH” – chị Hoa bức xúc.

Việc nhà trường yêu cầu dùng vở “đồng phục” không chỉ xảy ra ở quận Cầu Giấy, mà PH một số trường tiểu học trên địa bàn TP cũng nhận được yêu cầu dùng vở của trường. Một phụ huynh có con học lớp 1 trường Tiểu học Kim Liên cho biết, ngay từ đầu năm khi mua sách giáo khoa của nhà trường, trường cũng bán luôn cả vở có ghi tên trường. Vị này cho hay: “Trong tờ thông báo chuẩn bị đồ dùng học tập của lớp cháu đầu năm học mới, yêu cầu chuẩn bị cho con các loại sách, vở, bút, thước… trong đó yêu cầu mua vở của nhà trường. Tiếc rẻ vì đã mua vở ở ngoài nên tôi vẫn cho cháu viết, rồi cũng không thấy cô giáo nhắc nhở gì. Tôi nghĩ không nhất thiết phải viết vở của nhà trường, vừa đỡ lãng phí, đỡ tốn tiền vì đầu năm đã phải lo đủ loại chi phí tiền trường”.

Vậy là sau bức xúc của dư luận về việc tăng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường tạm dừng thu bảo hiểm thân thể, vậy nhưng rất nhiều khoản đóng góp khác vẫn "làm phiền" PH. Điệp khúc "tiền trường" đầy mệt mỏi đầu năm học mới vẫn lại tiếp tục trong năm học này.
Từ 8/9 đến hết tháng 10, 21 đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát các điều kiện phục vụ cho năm học mới như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên..., đặc biệt là các khoản thu đầu năm của các trường. Những trường hợp cố tình không thực hiện đúng quy định, Sở sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Hiệp Thống
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội