Tiền vàng vẫn ngập đền Bà Chúa Kho

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 2 tháng nay, hàng đoàn xe từ khắp tỉnh, thành chở cây tiền, cây đô, cành vàng lá ngọc nối đuôi nhau hành hương về đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh, “phớt lờ” đề án hạn chế đốt vàng mã của Bộ VHTT&DL được nung nấu trong suốt 2 năm.

Xe tải chở tiền vàng

Những ngày cuối năm Giáp Ngọ, con đường dẫn vào trung tâm di tích đền Bà Chúa Kho chỉ dài 900m, nhưng luôn quá tải với các đoàn xe nối đuôi nhau đi lễ. Nhiều đoàn khách dùng cả xe tải để chở tiền vàng cung tiến với tâm lý “cúng càng nhiều, lộc hưởng càng lắm”. Người dân ở khắp các tỉnh, thành nườm nượp đội những mâm lễ ngồn ngộn tiền vàng về dâng tại đền Bà Chúa Kho, không gian di tích chưa đầy ngàn mét vuông nêm chặt người. Thêm vào đó, các sạp bán vàng mã xếp kín hai bên lối vào di tích với đủ loại mẫu mã... cung cấp một lượng không nhỏ đồ lễ cho khách thập phương đem cúng và đốt mỗi ngày. Theo chủ sạp hàng Hùng Nhường: “Doanh thu cao nhất trong một ngày của chúng tôi khoảng hơn 100 triệu đồng, ngày ít thì mười đến vài chục triệu đồng”. Không chỉ có các sạp nơi đây cung cấp tiền vàng, nhiều nơi sản xuất vàng mã khác cũng giàu lên nhờ nhu cầu quá lớn ở di tích này.

 
Sạp bán tiền vàng Hùng Nhường tại đền Bà Chúa Kho.
Sạp bán tiền vàng Hùng Nhường tại đền Bà Chúa Kho.

Hai lò hóa vàng đặt hai bên di tích lúc nào cũng rực lửa. Không có chỗ xử lý, tro được thải ngay trong không gian di tích, bụi khói theo gió bay khắp nơi, ảnh hưởng tới môi trường và hơn hết là làm mất mỹ quan di tích. Đó là chưa kể, căn nhà cấp 4 bên phải đền Bà Chúa Kho được sử dụng là nơi nhập kho Bà Chúa, tiền vàng tràn ra đến tận bậc thềm. Gần 100 cụ bà, cụ ông phường Vũ Linh mỏi tay phân loại tiền, sắp vàng mã thành các túi nhỏ phát lộc cho khách thập phương.

Thờ ơ với chủ trương

Lễ hội đền Bà Chúa Kho kéo dài hơn 3 tháng, từ tháng 12 Âm lịch năm trước đến tháng 2 Âm lịch năm sau. Gọi là lễ hội cho “sang”, chứ theo ông Nguyễn Thành Lập – Trưởng Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi phường Vũ Linh, kiêm Trưởng Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho: “Chủ yếu lễ hội về mặt tâm linh”. Khách thập phương bói cũng không ra một nghi thức truyền thống hay trò chơi dân gian nào trong lễ hội này.

Đã vào mùa lễ hội đền Bà Chúa Kho thì bắt gặp nhan nhản hành động “chướng tai gai mắt”: Nào là thu tiền hóa vàng, chèo kéo khấn thuê, nào là trộm cắp móc túi… Những người quản lý di tích họp lên họp xuống, cũng ban hành kế hoạch đón tiếp, phối hợp với công an phường, công an tỉnh, các đơn vị, sở, ngành để làm trong sạch môi trường lễ hội, nhưng rồi “Tôi thừa nhận ở đây có nhiều đối tượng xã hội đen trà trộn” - ông Lập không giấu. Thế nên, dù có công an, có các cụ ông, cụ bà hỗ trợ công tác tổ chức, song trong khuôn viên bé nhỏ của di tích vẫn ngang nhiên tồn tại những hình ảnh khó coi ấy.

 
Lò hóa vàng ở đền Bà Chúa Kho lúc nào cũng rực lửa
Lò hóa vàng ở đền Bà Chúa Kho lúc nào cũng rực lửa
Mặc cho chủ trương hạn chế, rồi cấm đốt vàng mã của các cơ quan quản lý, tại di tích “ngốn” tiền vàng mã vào bậc nhất cả nước này không có một dòng khuyến cáo đến người đi lễ. Ông Lập cho rằng: “Ở đây là lễ hội tâm linh nên chỉ có thể tuyên truyền nhắc nhở trên loa đài, nếu khuyến cáo bằng biển bảng thì phản cảm quá”. Vị đại diện Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho cũng thản nhiên cho biết, không nhận được văn bản quy định nào của Nhà nước cấm hay hạn chế đốt vàng mã. Thế mới có chuyện, khi được hỏi, hầu hết những người phục vụ tại đền đều không nắm được chủ trương này. Nên lại càng khó có chuyện lực lượng coi đền tuyên truyền đến khách đi lễ.

Ngành văn hóa gặp khó

Ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh rất tâm đắc với biện pháp ngăn chặn vàng, mã, quy định số lượng mang vào di tích của nhiều địa phương khác, bởi đốt ở đền hay mang về thì đều tốn bạc tỷ của người dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ảnh – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “Ý kiến đó chắc chỉ có thể đưa vào hội nghị để tham khảo học tập. Đối với di tích đền Bà Chúa Kho khó lắm, cơ quan quản lý văn hóa chưa “sờ” được vào, các cụ đánh bật ra hết. Di tích xuống cấp, chúng tôi đề xuất lập quy hoạch tổng thể mặt bằng, lập dự án bảo tồn tôn tạo, các cụ cũng gây khó. Ngành văn hóa buộc phải tìm cách can thiệp dần dần”. Điều này cũng dễ hiểu, bởi theo ước tính, mỗi năm, khu di tích này thu được hàng chục tỷ đồng, thậm chí gần trăm tỷ đồng tiền công đức, đó là chưa kể “lộc rơi, lộc vãi” mỗi người được hưởng trong mùa lễ hội.

Có vẻ như chủ trương hạn chế đốt vàng mã ở điểm nóng bậc nhất cả nước này sẽ còn là con đường dài. Bởi chấn chỉnh hoạt động lễ hội nơi đây động chạm đến quyền lợi kinh tế của rất nhiều người đang là “ông hoàng, bà chúa” trực tiếp quản lý lễ hội.