Tiền Yên nỗ lực thoát nghèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ven bờ sông Đáy, Tiền Yên là xã nghèo nhất của huyện Hoài Đức, cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất khu vực đồng bằng của Thủ đô.

Vẫn còn khó khăn

Ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, không ai là không biết bà Nguyễn Thị Hồng. Gia đình bà là một trong số những hộ nghèo và khó khăn thuộc nhóm nhất thôn, cũng như toàn xã Tiền Yên. Dù đã gần 55 tuổi nhưng hàng ngày, bà Hồng vẫn phải quang gánh tảo tần để nuôi cô con gái ăn học đại học và cậu con trai chưa có việc làm. Người chồng mất sớm, mọi gánh nặng mưu sinh đều đổ lên đầu người đàn bà gầy gò với khuôn mặt khắc khổ này. 

Có phần ít khó khăn hơn là gia đình chị Nguyễn Thị Lý, cùng trú tại thôn Tiền Lệ. Hiện, kinh tế gia đình chị Lý chỉ trông vào gần 1 sào đất canh tác nông nghiệp; nay trồng ngô, mai trồng rau. Để có thêm thu nhập, hai vợ chồng chị Lý tận dụng mảnh vườn nhỏ để nuôi lợn, gà. Tuy nhiên, do có ít kỹ thuật chăm sóc, cộng với dịch bệnh phức tạp khiến lời lãi từ nghề làm nông rất hạn chế. Phải chắt chiu, chi tiêu tằn tiện lắm, hai vợ chồng mới đủ tiền trang trải sinh hoạt phí, và cho hai con được đến trường đầy đủ. 

 
Chị Nguyễn Thị Lý, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên chăm sóc ruộng ngô của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Lý, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên chăm sóc ruộng ngô của gia đình.
 
Đó chỉ là hai trong tổng số 73 hộ được liệt vào danh sách những hộ nghèo của xã Tiền Yên. Không có nghề phụ, vốn kinh doanh - buôn bán cũng không, hầu hết các gia đình nơi đây chỉ biết trông chờ vào giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất canh tác rất hạn chế. Thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh đang là nỗi lo của nhiều hộ dân sống ven sông Đáy.

Cần được quan tâm nhiều hơn

Hàng chục năm qua, người dân thôn Tiền Lệ sống chủ yếu nhờ nghề trồng rau, trong khi tại thôn Yên Thái, người dân vẫn giữ tập quán canh tác ngô và cây ăn quả. Tuy nhiên, giá trị kinh tế từ các loại cây này còn rất hạn chế. Diện tích đất trồng lúa trên địa bàn xã hiện cũng chỉ còn khoảng 10ha, lại phân bố manh mún, khó quy hoạch. Đặc biệt, không chỉ ở xã Tiền Yên mà trên địa bàn toàn huyện Hoài Đức vẫn chưa có khu chăn nuôi tập trung. Người dân chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm theo từng hộ cá thể. 

Nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân xã Tiền Yên, TP cũng như huyện đã có những hỗ trợ nhất định. Bà Nguyễn Thị Mai Lan - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, từ năm 2012, huyện đã chọn xã Tiền Yên là địa phương thí điểm mô hình  trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 31ha. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng ưu tiên đầu tư cho xã Tiền Yên một số công trình về hạ tầng thuộc Dự án Qseap (hướng tới việc nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp). Đánh giá bước đầu đã có những hiệu ứng tích cực, huyện đang tiến hành chuyển giao và nhân rộng mô hình này đến với bà con nông dân trong xã. 

Ông Tạ Đăng Nghiệp - Chủ tịch UBND xã Tiền Yên cho biết, hiện tổng diện tích đất canh tác toàn xã là 168ha, dân cư đông nên mỗi nhân khẩu chỉ được chia chưa tới 7 thước. Con số này là khá thấp so với các địa phương vùng đồng bằng khác. Đất canh tác hạn chế, lại không có nghề truyền thống khiến kinh tế các hộ nơi đây rất khó khăn. Về phía xã, do ngân sách có hạn nên cũng chỉ có thể cố gắng tạo điều kiện tốt nhất về mặt pháp lý - kỹ thuật nông nghiệp để bà con vay vốn, phát triển sản xuất, còn các dự án hỗ trợ có liên quan tới kinh phí thì phải trông chờ vào huyện, TP. 

Sự quan tâm, hỗ trợ của huyện, TP thời gian qua là nguồn khích lệ lớn đối với người dân xã Tiền Yên. Tuy nhiên, để diện mạo vùng quê ven sông Đáy này thực sự khởi sắc, đời sống người dân thêm phần ấm no, sẽ còn rất nhiều việc cần làm.
 
Tính đến hết tháng 11/2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tiền Yên còn 4,46%. Con số này cao gấp gần 2,8 lần tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Hoài Đức (1,6%). Xã Tiền Yên mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.