Bao giờ thì chấm dứt cảnh “ông đóng, bà mở”?

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tuần này, Bộ GTVT bắt đầu tổ chức kiểm tra việc mở lại vận tải của các địa phương trên cả nước. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra việc mở lại vận tải tại Bến xe Mỹ Đình.

Điều khá ngạc nhiện là hiện tại Hà Nội từ ngày 13 - 23/10 chỉ có 82 chuyến xe, vận chuyển hơn 3.300 hành khách. Con số này là quá thấp, không phản ánh đúng nhu cầu đi lại của người dân nếu như biết ngày bình thường Bến xe Mỹ Đình có hơn 1.000 lượt xe xuất bến.

Nghị quyết 128 của Chính phủ là vừa bảo đảm sự thông thoáng trong hoạt động kinh tế - xã hội và thuận lợi cho Nhân dân đi lại, đồng thời điều chỉnh quy mô không gian kiểm soát theo quy mô cấp phường, xã chính là để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hơn, chính xác hơn, nhưng lại giảm thiểu những tác động tiêu cực do kiểm soát dịch gây nên. Đến giờ thì 63 tỉnh, thành phố đã công khai công bố cấp độ dịch, tưởng rằng người dân sẽ dễ dàng đi lại hơn. Nhưng sự thật lại không đơn giản như thế.

Nhu cầu đi lại của người dân khá lớn, chúng ta cũng đã từ bỏ chiến lược Zero Covid nhưng đúng là vẫn đang còn tình trạng “trên thông, dưới bít”, người dân khóc dở, mếu dở khi “ông đóng, bà mở”. Hóa ra theo quy định hiện hành, muốn cấp phép lại xe khách thì phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Sở GTVT hai đầu tuyến các nhà xe mới có thể đón - trả khách. Nên dù Hà Nội muốn mở lại vận tải nhưng lại không nhận được sự đồng thuận của tỉnh đối lưu, khiến cho nhiều tuyến vận tải liên tỉnh bó tay, không thể hoạt động. Có khá nhiều người dân Phú Thọ, Lào Cai thẫn thờ ở bến xe vì không biết lúc nào mới được về quê giải quyết việc cấp bách.

Công bằng mà nói, đến giờ các bến xe Hà Nội đã chủ động đưa ra các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, bằng cách yêu cầu khách khi vào bến và lên xe phải khai báo y tế; mỗi chuyến xe có danh sách hành khách, có số điện thoại và nơi đi nơi đến.

Trước khi lên xe, hành khách tiếp tục khai báo y tế qua mã QR Code dán ở cửa xe. Danh sách này được gửi 3 bản ở hai đầu bến và lưu lại bến xe để phục vụ công tác truy vết khi cần. Khi khách từ Hà Nội đi các tỉnh sau khi quét mã QR Code dữ liệu y tế của khách được gửi về y tế của tỉnh. Đây là cách kiểm soát sáng tạo, phù hợp với tình hình hiện nay.

Như vậy, đối với các tỉnh, thành đã công bố vùng xanh, vùng vàng theo Nghị quyết 128 của Chính phủ chỉ cần gửi kế hoạch mở lại vận tải khách cho địa phương cuối tuyến thay vì “xin - cho” như hiện nay. Các sở GTVT căn cứ vào cấp độ phòng chống dịch của địa phương đã công bố để mở lại vận tải mà không cần chờ sự thống nhất mở tuyến của sở đối lưu.

Ngoài ra, các bến xe, các cơ quan báo đài cũng cần trang bị thông tin cho các nhà xe và người dân hiểu mình đang ở vùng nào, đi đến đâu và tuân thủ phòng chống dịch ra sao cho đúng với cấp độ dịch nhằm tự bảo vệ mình. Câu chuyện "ông mở, bà đóng” đã đến tai quan chức Bộ GTVT, vấn đề lúc này là bao giờ thì Nghị quyết 128 của Chính phủ đi vào cuộc sống, cụ thể ở đây là lĩch vực giao thông vận tải. Người dân đang chờ Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có một động thái quyết liệt hơn đối với các địa phương sau các đoàn kiểm tra đi về báo cáo.