[Tiếng dân] Câu chuyện cuối năm

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An",câu ca như một lời khẳng định dù ít nhiều vẫn còn chuyện "không vừa ý, chẳng đẹp lòng" trong nết ăn, nếp ở thì thanh lịch, văn minh đã, đang và sẽ vẫn là một nét đẹp văn hóa ứng xử của người Hà Nội.

Để làm được điều đó, không thể không nói đến vai trò của các tổ hòa giải tại 30 quận, huyện của TP. Đến nay, TP Hà Nội hiện có 5.043 tổ hòa giải với 31.773 hòa giải viên. Đáng chú ý, Hà Nội đã có 2.447 tổ hòa giải đạt danh hiệu “Tổ hòa giải 5 tốt”. 
Nhân dịp cuối năm, dân phố chúng tôi được công nhận có “Tổ hòa giải 5 tốt”, ông bí thư chi bộ lên tiếng: “Như vậy chúng ta tự hào đã đóng góp vào việc hòa giải từ cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn cộng đồng tại quận Hoàng Mai, xin mọi người một tràng vỗ tay thật to”. Vỗ tay không ngớt.

Sau tiếng vỗ tay của những người tham gia cuộc họp, ông bí thư chi bộ tiếp tục: “Năm 2020, TP Hà Nội tiếp nhận 4.596 vụ việc hòa giải (giảm 467 vụ việc so năm 2019). Trong đó, đã hòa giải thành 3.615 vụ việc, đạt tỷ lệ 82,7%, 226 vụ việc đang tiến hành hòa giải, một con số đáng kích lệ trong “năm Covid-19 buồn”.

Vốn là giáo viên toán, vừa nghe xong, bà giáo nhẩn nha tiếp lời: “Bác bí thư so sánh với năm 2019 để bà con chúng tôi biết thành tích vẻ vang như thế nào chứ đọc nhanh thế, chúng tôi chả biết đâu mà lần”.

“Năm 2019, toàn TP phát sinh 5063 vụ việc tiếp nhận hòa giải, giảm 1579 vụ việc so năm 2018. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP tăng dần, số vụ việc phát sinh hằng năm giảm từ khi có “ Tổ hòa giải 5 tốt” các bác ạ”, ông bí thư chi bộ đọc vanh vách.

Bà phụ nữ được thể hỏi luôn: “Em mới tham gia đoàn thể, chưa biết cái “ Tổ hòa giải 5 tốt” đầu cua tai nheo nó như thế nào, các bác có thể “thông não” cho bà con tý được không?”.

Ông bí thư chi bộ vui vẻ: “Cái bà này, đến là đáo để, này nhé 5 tiêu chí gồm: Một là, phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên. Hai là, phối hợp tốt giữa Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ba là, được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt. Bốn là, được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật. Năm là, định kỳ giao ban sáu tháng, hằng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định”.

Đến đây bà phụ nữ dân phố tiếp giọng: “Để giảm mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, tôi cũng đề nghị mấy bà cứ mạnh dạn góp ý nhau, không cứ xuống gác tụm ba, tụm bảy bàn tán “nghe bà A, nói bà B, ông C” khiến chúng tôi đi khắp chung cư chả tìm ra ai nói cả, các hòa giải viên cứ như bị lâm vào mê hồn trận”.

Ông tổ trưởng dân phố lại lên tiếng: “Ý kiến chính xác đấy. Tổ dân phố ta vẫn có chuyện đôi khi không vừa lòng chuyện cá nhân, vừa khen nhau buổi sáng, buổi chiều lại chê nhau. Chúng ta phải công, tư minh bạch mấy bác nhé, có thế mới giữ được tình làng, nghĩa xóm (dù ở chung cư) lâu bền”.

Tối ấy, chúng tôi ngồi bên nhau rất lâu, theo đúng tinh thần “vui giữ, buồn bỏ”, mọi người hồ hởi bàn chuyện nấu bánh chưng vào dịp Tết cổ truyền.q