70 năm giải phóng Thủ đô

[Tiếng dân] Dân mong hiện thực hóa “quận Gia Lâm”

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Định hướng đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ có 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) được nâng cấp lên thành quận.

Đến nay, 5 huyện trên đã được UBND thành phố phê duyệt đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận. Nhưng câu chuyện “vỏ thì quận, ruột là huyện” trong quá khứ đã khiến người dân không khỏi không lo lắng.
Thực tế Gia Lâm được đánh giá là có tiềm năng trở thành quận sớm nhất trong 5 huyện khi đơn vị đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp đô thị, mật độ đường giao thông đô thị.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng năm 2020, huyện Gia Lâm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thành phố giao. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 8,67%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.501,4 tỷ đồng, bằng 152,3% dự toán, vượt kế hoạch thành phố giao. Nhiều năm qua, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Gia Lâm đã được triển khai gắn với xây dựng đô thị.

Điều này cho phép huyện có thể tin tưởng hoàn thành mục tiêu trở thành quận vào năm 2023. Với sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm, Huyện ủy Gia Lâm đã lãnh đạo huyện từng bước phát triển nhanh chóng và rất hiệu quả trên tất cả các mặt. Tốc độ đô thị hóa “phi mã” đã giúp diện mạo đô thị của Gia Lâm đã thay đổi rất nhanh trong thời gian qua.

Việc có tới 68 di tích cấp quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh đã giúp cho Gia Lâm trở thành huyện có nhiều di tích cấp quốc gia nhất, tiền đề để phát triển văn hóa - du lịch. Chưa kể việc có nhiều làng nghề truyền thống cũng là thế mạnh của địa phương để tăng thu ngân sách.

Điều người dân mong mỏi nhất lúc này là quá trình đô thị hóa phải gắn với công nghiệp hóa, phát triển kinh tế đô thị, gắn với bài toán mưu sinh của người dân. Bài toán kinh tế nông thôn của Gia Lâm nói riêng và 5 huyện của Hà Nội nói chung phải được cân đối với việc đô thị hóa, công nghiệp hóa. Tránh để khi trở thành “quận nợ tiêu chí” còn đường lối phát triển nông nghiệp đô thị cho tương lai thì nằm trên giấy.

Nỗi lo của người dân không thừa vì được đánh giá là có điều kiện thuận lợi nhất trong 5 huyện để sớm nâng cấp thành quận nhưng đến nay ranh giới phát triển đô thị của Gia Lâm theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng mới đạt 55%, nó phụ thuộc vào việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Về phương diện cấp ủy và chính quyền, Gia Lâm đã có 20 nội dung kiến nghị Thành ủy Hà Nội quan tâm, chỉ đạo 4 lĩnh vực: Quy hoạch; đầu tư; quản lý đô thị và phân cấp. Nhưng điều người dân địa phương trông chờ nhất, mong muốn là thấy được lợi ích thiết thực của mình và gia đình khi huyện trở thành quận.

Người nông dân Gia Lâm muốn quận Gia Lâm trong tương lai phải phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao, giá trị cao; tính toán quy hoạch các vùng sản xuất; chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Con em trong quận Gia Lâm trong tương lai phải được tham gia làm việc tại các đề án du lịch, thương mại, áp dụng công nghệ 4.0… Điều quan trọng nhất là trong quá trình đô thị hóa chúng ta vẫn giữ gìn được những nét đẹp văn hóa đặc trưng hàng nghìn năm nay.

Vấn đề đô thị hóa của người dân Gia Lâm cũng là băn khoăn, trăn trở của người dân Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức.