Ở Hà Nội, việc phân loại rác thải tại nguồn chỉ mang tính phong trào nên việc xử lý sau này gặp nhiều khó khăn. Nếu cứ tiếp tục duy trì khối lượng này thì Thủ đô sẽ đối diện với thảm họa "ô nhiễm trắng". Câu chuyện rác thải nilon đã không chỉ gói gọn trong chuyện thường ngày phố tôi mà đang là nỗi lo lắng của cộng đồng.
Mới đây, tại Hà Nội, 41 Đại sứ quán và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã cùng thông qua việc ký kết Quy tắc Ứng xử nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa. Đã đến lúc cần có quy tắc chung trong các hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích các bên liên quan cam kết thực hiện và chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam cho thế hệ tương lai.
Lâu nay, người ta cho rằng nói KHÔNG với chất thải nhựa dùng một lần và túi nilon chỉ là câu chuyện của mấy bà nội trợ đi chợ hàng ngày. Nhưng người ta quên rằng nếu chỉ thế thì làm sao sản sinh được số lượng chất thải nhựa và túi ni lông của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, lớn như thế. Chỉ tính riêng Hà Nội đã thải ra môi trường khoảng 1.000 tấn nhựa và túi nilon/ngày.
Đến giờ, Hà Nội đang tích cực đi đầu trong việc truyền thông hạn chế dùng chất thải nhựa dùng một lần và túi nilon. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, cần phải có các giải pháp cụ thể để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa gây ra. Phải để có người dân thấy được tác hại của việc dùng chất thải nhựa và các kế hoạch thay đổi thói quen mua sắm để giảm dần chất thải này.
Ở Pháp, người dân đăng ký tham gia chương trình giảm chất thải nhựa và túi nilon được giảm thuế thu gom rác thải. Các siêu thị có chương trình đổi vỏ chai nước rửa bát, dầu gội đầu, chai nước uống tinh khiết, chai gia vị và mỹ phẩm, tiết kiệm được tiền bao bì dùng một lần. Nhờ đó, mỗi tháng gia đình 4 người sẽ tiết kiệm từ 120 - 150 euro, tương đương 3 - 4 triệu đồng.
Nước láng giềng Trung Quốc lại xây dựng các nhà máy chế biến rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Quốc gia này đang thành công trong việc xây dựng nhà máy điện năng lượng từ rác thải thay vì chôn xuống đất như trước đây. Nhà nước có chính sách khuyến khích để phát triển nguồn điện năng này để trong một thời gian ngắn giảm thiểu "ô nhiễm trắng". Trung Quốc cũng đang xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng bằng rác nhựa.
Trong khi đó, Indonesia lại có những giải pháp được cho là sáng tạo cần được nhân rộng. Một mặt họ yêu cầu người tiêu dùng phải trả phí (200 rupiah/sản phẩm nhựa (hơn 300 đồng Việt Nam) tại các điểm mua bán như siêu thị, chợ truyền thống ở Indonesia khi sử dụng túi ni lông. Mặt khác, Indonesia thực hiện chương trình đổi rác nhựa lấy vé xe buýt, vé xem phim.
Tại các điểm bán lẻ, người bán hàng tích cực truyền thông, khuyến khích khách hàng không dùng loại túi nilon và người tiêu dùng tập thói quen mang túi xách riêng khi đi mua sắm. Người tiêu dùng Indonesia sau khi dùng các bao bì rác nhựa được khuyến khích đem đến các ngân hàng rác tại các điểm giao dịch thuận lợi để đổi lấy tiền mặt.
Ý thức được điều này, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Đúng như bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ: “Để thay đổi thái độ của chúng ta đối với vấn đề rác thải nhựa, cần có sự nỗ lực từ nhiều cấp độ, từ toàn cầu đến quốc gia, từ Chính phủ đến công dân và từ DN đến người tiêu dùng”.
Điều người dân quan tâm là một giải pháp tổng thể, trong đó thấy rõ việc được - mất khi tham gia chương trình này.