70 năm giải phóng Thủ đô

[Tiếng dân] Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có nghĩa là phía trong các con sông cũng nói lên sự gắn bó của người dân với sông Hồng.

Điều này khiến cho phải đến tháng 6/2021 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 mới được phê duyệt nhưng ngay từ bây giờ đã được rất nhiều người dân Thủ đô quan tâm.
Tất thảy chúng ta đều biết sông Hồng là con sông Cái, con sông Mẹ, con sông hình thành nên đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội của chúng ta. Người ta tính mỗi một mét khối nước sông Hồng chứa khoảng 1,5kg phù sa. Với tốc độ dòng chảy vào khoảng 30.000m3/giây vào mùa lũ, thấp nhất là 700m3/giây vào mùa cạn sông Hồng như món quà vô giá mà Mẹ Thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội nói riêng và vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Hàng chục năm nay dải đất màu mỡ ngoài bãi sông Hồng kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Thanh Trì dài 40km có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống tạm bợ một phần cũng do Thành phố chậm triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Tính ra từ năm 1954 đến nay, chúng ta đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, tất cả đều nói đến quy hoạch sông Hồng nhưng phải đến lần này cơ hội cải tạo toàn diện mới thành hiện thực và cả về trong tư cách tiếp cận đến trong quy hoạch.

Người dân cả nước đã nhìn nhận sự thay đổi trong tư duy khai thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội của người đứng đầu Thành phố. Từ chỗ quay lưng với sông Mẹ, chúng ta sẽ quay mặt ra sông Hồng để kiến tạo các không gian giá trị của trục không gian hành lang xanh. Một bản quy hoạch mang ý nghĩa tôn vinh sông Hồng, làm cho người dân Thủ đô có thêm niềm tự hào vì có sông Hồng.

Từ lời giới thiệu quy hoạch của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, người dân Hà Nội đã cảm nhận được quy hoạch lần thứ 8 này có ý nghĩa biểu tượng của tinh thần và trí tuệ quốc gia. Quy hoạch sông Hồng lần này là bước ngoặt lớn của Hà Nội hơn 1.000 năm văn hiến, quy hoạch rồi để rồi bắt tay thực hiện chứ không đơn thuần chỉ để “nâng lên đặt xuống”. Mất 25 năm nghiên cứu với hàng loạt dự án, đến nay, khu vực sông Hồng chính thức được quy hoạch phân khu với các định hướng rõ ràng, cụ thể.

Người dân cho rằng: Quy hoạch sông Hồng tất yếu phải mang dấu ấn hiện đại nhưng lại phải bảo vệ được môi trường, thiên nhiên và những giá trị văn hóa đã tồn tại 4.000 năm của nước Việt. Ngoài việc tôn thêm vẻ đẹp vốn có của dòng sông còn phải khai thác được tốt nhất những giá trị tiềm năng của con sông Mẹ này.

Dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng hội tụ sẽ đủ yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa". Người dân phấn khởi khi đích thân Bí thư Vương Đình Huệ khẳng định lần này quy hoạch đề cao nguyên tắc thuận thiên. Đặc biệt, quy hoạch sẽ tính đến việc đảm bảo vấn đề sinh kế cho hàng triệu người dân sống hai bên sông. Người dân Hà Nội có quyền mơ về một thành phố trong tương lai với điểm nhấn là dòng sông chạy giữa lòng đô thị, với hành lang xanh, một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại.

Theo đồ án quy hoạch, khu vực nghiên cứu có diện tích 11.000ha, trong đó sông Hồng có diện tích 3.600ha (chiếm 33% tổng diện tích), đất bãi sông có diện tích khoảng 5.480ha (chiếm khoảng 50% tổng diện tích) và 1.190ha còn lại là khu vực đã xây dựng, khu dân cư… Điều quan trọng nhất là người dân đã soi thấy hình bóng mình trong từng đường chì, nét bút của quy hoạch, đã đến lúc: “An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép/ Loa thành này có đẹp mắt Người chăng?". ("Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”- Chế Lan Viên).q