[Tiếng dân] Mấy ông giáo già bàn chuyện thi cử

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm học nào, hội giáo chức chúng tôi cũng tổ chức gặp gỡ mùa Thu. Ngay từ đầu, ông hội trưởng đã giao hẹn: “Chỉ được bàn chuyện đời, chuyện nhà, chuyện đường, cấm nói chuyện trường, chuyện lớp, chuyện thi cử”.

Nhưng rốt cuộc, các ông (bà) giáo quay đi, quẩn lại vẫn nói chuyện dạy và học. Dường cả đời gắn bó với bảng đen và phấn trắng, việc đèn sách chuyện thi cử cứ ám vào người, không dứt ra được.
Đầu tiên là một bà giáo khoe trường cũ tỷ lệ tốt nghiệp kỳ thi THPT đạt xấp xỉ 99%, cao hơn tỷ lệ tốt nghiệp kỳ thi vừa rồi của cả nước đạt 98,34%. Đã ngoài 70 nhưng nhưng ông giáo Hân, nhớ dai: “Ui thế là năm nay tỷ lệ đạt THPT của cả nước vẫn cao hơn năm trước, năm 2019 con số này là 94,06%”.

Bà giáo dân thành Nam khoe: “Nam Định vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước với mức điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT là 6,928. Đây cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm trung bình thi THPT quốc gia năm ngoái, quê tôi ngon lành cành đào, các bác nhỉ?”.

Không chịu thua kém, một ông giáo cho biết: “Hà Nội năm nay có mức điểm trung bình là 6,383, xếp thứ 23, tăng 2 bậc so với năm ngoái nhé, một sự nỗ lực đáng ghi nhận”. Tôi lần theo danh sách 63 tỉnh, thành thì Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình tiếp tục là 3 địa phương xếp cuối cùng của cả nước về mức điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với số điểm lần lượt là 5,350; 5,643; 5,720.

Từ nãy giờ ngồi mình không nói câu nói, ông giáo Thứ vốn là giảng viên một trường đại học danh tiếng Thủ đô thủng thỉnh: “Tôi hỏi khí không phải, các thầy, cô đừng giận nhé, với tỷ lệ tốt nghiệm năm nào cũng 98 - 99% thế này thì nên bỏ quách kỳ thi tốt nghiệp này đi chứ tổ chức làm gì cho tốn kém?”.

“Học mà không thi thì lấy gì làm bằng chứng cho sự nỗ lực của các con, thưa ông giáo”, bà hiệu trưởng đã về hưu gần chục năm vặn lại.

Ông giáo Thứ nhẹ nhàng: “Thì chúng ta sẽ cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho tất cả học sinh lớp 12. Với giấy chứng nhận đó các em có thể thi vào đại học, cao đẳng, trung cấp hay đi làm công nhân, nông dân, bán hàng..., muốn học lên hay học nghề để mưu sinh là tuỳ các em. Nếu vướng luật thì chúng ta ngồi lại để sửa luật”.

Đến lúc này, mỗi người theo đuổi suy nghĩ theo một cách. Trung bình hàng năm có từ 900.000 - 1.000.000 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2020. Trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi, có 643.122 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ - chiếm 71,45%, giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019 (năm 2019, tỷ lệ này là 74,01%; năm 2018 là 74,37%).

Với tỷ lệ đạt tốt nghiệp THPT cao như thế, chúng ta đã bàn đi, bàn lại chuyện có nên tốn hàng ngàn tỷ của xã hội để tìm ra hơn 1% học sinh lớp 12 rớt tốt nghiệp. Quan trọng hơn nữa là cần sớm chấm dứt việc dùng điểm thi tốt nghiệp để tuyển sinh đại học. Cách làm đó không đúng, không giống ai, bởi rõ ràng tính chất 2 kỳ thi hoàn toàn khác nhau.

Đã đến lúc, để nâng cao chất lượng giáo dục, hãy để cho các trường đại học tự chủ và tự chịu trách nhiệm tuyển sinh theo Luật Giáo dục Đại học. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đảm nhận tổ chức khảo thí kiểu SAT/ACT mà thôi.q

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần