Những người yêu Hà Nội nhớ về tuyến tàu điện đầu tiên xuất hiện cách đây 11 năm, hình ảnh ấy đã đi vào giai điệu tuyệt vời của bài hát "Nhớ về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp "... Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya/ Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy".
Tàu điện phát triển mạnh nhất ở nước ta vào những năm 1930 - 1940 của thế kỷ XX. Từ sau giải phóng (từ 1954 đến đầu những năm 1970 của thế kỷ XX), thời kỳ hưng thịnh nhất, tính ra mỗi năm tàu điện vận chuyển trên 40 triệu lượt hành khách. Đến năm 1989, tàu điện chính thức bị xóa bỏ ở Hà Nội trong niềm tiếc nuối của không biết bao nhiêu người. 40km tàu điện với 4 tuyến bị xóa bỏ hết, rồi đường sắt cũng bị tháo dỡ rất lãng phí, hàng trăm toa biến thành sắt vụn. Đó là cái đau xót và sai lầm trong giao thông đô thị mà đến giờ chúng ta không còn cơ hội để sửa sai.
Khác với tàu điện, số phận của metro long đong hơn. Để hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km, với 12 ga và 1 khu depot, Bộ GTVT đã phải mất 10 năm, trễ hơn 5 năm so với kế hoạch. Các chuyên gia giao thông cho rằng, nếu tính cả thời gian từ khi xuất hiện ý tưởng trên đồ án quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 1998 thì lên tới hơn 20 năm. Không kể đến việc bị đội vốn đầu tư, bản thân thời gian xây dựng đã là một vấn đề làm nóng dư luận.
Theo quy hoạch đến năm 2030, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ gồm 10 tuyến, với 417,8km, dài gấp 32 lần chiều dài của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Điều người dân băn khoăn là sau hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đã và đang đưa vào vận dụng thì các tuyến đường sắt còn lại vẫn còn nằm trên giấy. Nếu cứ duy trì tiến độ như thế này, phải mất nửa thế kỷ nữa may ra Hà Nội mới có đủ 10 tuyến đường sắt đô thị.
Metro không có lỗi. Thậm chí mấy ngày đầu vận hành nó đã "nuốt gọn" khối lượng 40.000 lượt hành khách đi tàu mỗi ngày. Theo tính toán, nếu hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị sẽ luân chuyển được khoảng 1 triệu lượt hành khách/ngày. Nói cách khác, đối với giao thông đô thị, nhất là những thành phố trên 10 triệu dân trên thế giới thì tàu điện và metro đã trở thành phương tiện chủ lực, quen thuộc. Hà Nội không thể đứng ngoài cuộc, thậm chí trong quá trình mở rộng Thủ đô sang khu vực Bắc sông Hồng và khu vực phía Đông vành đai 4 trên các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng... dự kiến thành lập quận thì còn phải quy hoạch phát triển thêm hệ thống đường sắt đô thị.
Metro không có lỗi. Những cá nhân, đơn vị nào làm chậm tiến độ, đội vốn sẽ bị xử lý, điều quan trọng lúc này phải khai thác hết công suất của tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, nhanh chóng đưa tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác. Ngoài ra phải nhanh chóng khởi động 8 tuyến còn lại để giải quyết bài toán giao thông đô thị Hà Nội. Thành phố cần tuyên truyền và có chính sách đồng bộ, trong đó phải có các bãi xe, kết nối hợp lý với xe bus để thu hút hành khách đi tàu, nâng cao hiệu quả khai thác để giảm gánh nặng bù lỗ của ngân sách. Để người dân Hà Nội thấy được ích lợi vốn có của loại hình giao thông quen thuộc của các thành phố lớn châu Âu.
Đến bao giờ metro mới trở thành phương tiện giao thông công cộng đi vào tiềm thức của người dân Hà Nội đang là một câu hỏi khó. Không biết mất bao nhiêu năm nữa những hình ảnh con tàu trên các tuyến metro mới trở thành một phần hình ảnh của Thủ đô văn minh, hiện đại và đi vào thi ca, các bài hát hay về Thăng Long - Hà Nội như tàu điện năm xưa.