Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Ngẫm từ vụ cháy Công ty Rạng Đông

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 ngày kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại nhà máy của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), hiện nguyên nhân vụ hỏa hoạn vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố.

Nhưng giá cổ phiếu RAL và lòng tin dành cho Công ty Rạng Đông liên tục giảm trong 10 ngày qua. Hàng loạt vấn đề yếu kém trong quản lý sự cố cũng như năng lực ứng phó với thảm họa đã được phơi bày.
1. Thảm họa môi trường là điều không ai muốn, nhưng việc Công ty Rạng Đông công bố thông tin sai sự thật về sự cố thủy ngân độc hại phát tán ra môi trường gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Hành vi này không chỉ gây họa cho người dân quanh khu vực nhà máy, mà trước tiên gây họa cho chính người lao động của công ty.
 Hiện trường vụ cháy công ty Rạng Đông. Ảnh: Internet.
Luật Môi trường Quốc tế đề cao cả hai nguyên tắc phòng ngừa (precaution) và ngăn chặn (prevention) ô nhiễm. Nên mặc dù còn phải chờ kết luận của Cơ quan điều tra để xác định lỗi trong vụ việc này, nhưng sau khi vụ cháy xảy ra Công ty Rạng Đông phải nhanh chóng công bố công khai hóa chất đã sử dụng để sản xuất bóng đèn, có giải pháp kịp thời khắc phục hậu quả, lấy lại niềm tin người tiêu dùng cũng như trấn an dư luận.
2. Thay vì thể hiện đạo đức DN trong kinh doanh, việc đầu tiên Công ty Rạng Đông vội vàng ban hành văn bản thông báo về thiệt hại của Công ty kèm thông tin gian dối cho rằng các sản phẩm bị cháy đều vô hại với môi trường. Hơn ai hết, là người đã 55 gắn bó với nhà máy, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phải hiểu được lượng Hg đã phát tán ra ngoài môi trường nguy hiểm như thế nào?
3. Và sau khi mọi chuyện vỡ lở, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng mới gửi chính quyền Hà Nội và Nhân dân phường Thanh Xuân Trung và phường Hạ Đình lá thư xin lỗi muộn màng. Nhưng lời xin lỗi lại không đề cập đến việc chi phí của việc khắc phục ô nhiễm. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi.
Luật Bảo vệ môi trường quy định đơn vị gây sự cố môi trường phải khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Công ty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm.
Cổ phiếu RAL của Công ty Rạng Đông xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Chỉ sau vài ngày, vốn hóa thị trường Rạng Đông “bay hơi” hơn 150 tỷ đồng. Câu chuyện của Rạng Đông giờ đây không còn là thiệt hại trực tiếp (150 tỷ đồng, như công ty từng tuyên bố), hay thiệt hại gián tiếp từ việc khắc phục hậu quả như xử lý môi trường, chi phí khám sức khỏe cho người lao động, bồi thường thiệt hại vật chất cho hàng nghìn hộ dân xung quanh, di dời nhà máy,… mà còn là khủng khoảng thương hiệu.
Nếu cách hành xử của Rạng Đông không chính xác, sẽ khiến cộng đồng ngoảnh lưng với các sản phẩm của đơn vị. Thiệt hại này khó lòng cân, đo, đong, đếm được.
4. Với sự cố môi trường tại Công ty Rạng Đông liên quan đến rất nhiều luật và nghị định hướng dẫn, có thể kể ra đây Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Hóa chất năm 2007 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP để hướng dẫn, Luật Quốc phòng năm 2018, và Nghị định 02/2019/NĐ-CP về phòng thủ dân sự (cháy nổ nhà máy hóa chất, tán phát hóa chất độc) và gần đây nhất là Quyết định 26/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc đã có nhiều quy định về chuẩn bị, ứng phó sự cố hóa chất độc.
Nhưng khá ngạc nhiên trong hệ thống văn bản về ứng phó sự cố môi trường lại chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền phát ngôn, thẩm quyền thông báo về sự cố môi trường. Nên hành động của UBND phường Hạ Đình (ngay lập tức cho công an phường đi cảnh báo người dân trong đêm, phát đến 1.000 tờ rơi thông báo nguy cơ), có thể phải chịu kỷ luật vì phát ngôn “không đủ thẩm quyền và chưa đủ cơ sở”.
Điều này đáng tiếc là không có một người phát ngôn theo quy định của Chính phủ để định hướng dư luận cho cộng đồng theo đúng tiêu chí khách quan, trung thực, công khai. Các phương tiện truyền thông thì mày mò tự tìm thông tin rồi có gì đưa nấy, ai nói gì đúng sai không cần biết cứ đẩy lên mạng. Nhân dân hoang mang đến mức muốn bán nhà đi nơi khác vì sợ khí độc thủy ngân.
Các tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra về hàm lượng tiêu chuẩn thủy ngân trong nước uống (1 micro gram trong 1 lít nước và 1 micro gram thủy ngân trong 1 mét khối không khí) bị “dịch sai”. Có báo còn nói về tiêu chuẩn nước thải mà WHO chưa bao giờ đề cập. Loạn thông tin, thật giả lẫn lộn, cá nhân, tổ chức nào cũng cho mình có quyền nói nhưng lại không chịu trách nhiệm nếu nó sai sự thật.
Dù nhà làm luật đã dự liệu đưa cả chế tài hình sự để ngăn chặn sự tắc trách của cá nhân, tập thể trong ứng phó sự cố môi trường nhưng lỗ hổng này sẽ khiến cho những người có thẩm quyền chọn cách ngồi im, thay vì hành động (để tự bảo vệ mình khỏi trách nhiệm).