Đó là dù người tiêu dùng đang rất quan tâm đến việc vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng... chỉ có 15% số lượng các loại nông sản, thực phẩm sạch tiêu thụ qua các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích); 85% còn lại tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (chợ cóc, chợ dân sinh, thương lái)...
Nhu cầu được ăn rau sạch, thịt sạch của người dân đô thị là có thật, nhưng đến nay chỉ vài bếp ăn tập thể, số ít gia đình tiếp cận được nông sản, thực phẩm sạch là điều khá vô lý. Các bếp ăn gia đình, phần vì giá cả nông sản, thực phẩm sạch tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích khá cao so với chợ xanh, phần gặp khó khăn trong khâu tiếp cận sản phẩm nên vẫn phải tìm đến chợ cóc, chợ dân sinh.Điều gì khiến cho người sản xuất và các hộ tiêu dùng khó gặp nhau đến vậy? Đầu tiên phải khẳng định sản xuất nông nghiệp của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang trong tình trạng nhỏ lẻ, không có thương hiệu. Trong khi đó quy định đầu tiên và bắt buộc của các siêu thị, cửa hàng tiện ích là phải có xuất xứ hàng hóa, có hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp lý để giao dịch, mua bán. Nhiều nhà sản xuất mới chỉ quan tâm tới số lượng, chưa chú ý chất lượng sản phẩm; chưa có bao bì, nhãn mác cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…Người nông dân đang cần các cơ quan chức năng hỗ trợ liên kết với DN kinh doanh nông sản, siêu thị để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Chung, đại diện Công ty CP Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI cho biết: Để đẩy mạnh việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản an toàn qua kênh phân phối hiện đại, điều kiện bắt buộc là phải xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp an toàn; đồng thời tìm giải pháp hỗ trợ hợp tác xã, nông dân trong liên kết chuỗi, ký kết hợp đồng với DN để bao tiêu sản phẩm.Chắc chắn giá nông sản, thực phẩm sạch ở các siêu thị sẽ cao hơn các chợ xanh, chợ cóc nhưng muốn có mặt trên các kệ hàng thì phải xây dựng thương hiệu sản phẩm và có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài chất lượng như đã cam kết thì phải đẩy mạnh năng suất, tìm cách hạ giá thành sản phẩm để các bà nội trợ sẽ có được giá mua phù hợp.Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0 người nông dân cần tính tới việc quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội để bắt kịp với xu thế xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản thời hiện đại. Nông dân vẫn cần được ngành nông nghiệp, công thương hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Cũng giống như nông dân Thái Lan, nhà nông chúng ta cũng cần có các buổi tọa đàm, hội thảo, hội chợ để thương lái, DN và người sản xuất có điều kiện để tìm hiểu thông tin và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông người ta hay nhắc đến bộ tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices – Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam) là giấy chứng nhận quy trình sản xuất thực phẩm sạch do Bộ NN&PTNN ban hành ngày 28/01/2018, được áp dụng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.Năm 2020, cả nước chỉ mới có 430.000ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương, một con số khiêm tốn. Có được chứng nhận VietGAP nghĩa là cơ sở sản xuất phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định để khẳng định chất lượng sản phẩm. Để tăng con số 15% như đã nêu trên, giảm đi các chiến dịch giải cứu như bấy lâu nay bà con nông dân đang rất cần có bàn tay kết nối với siêu thị, cửa hàng tiện ích. Nhưng ai sẽ đứng là làm điều này mới là điều quan trọng?