Theo như công bố 24 trong số 32 bản thảo SGK lớp 1 vừa được phê duyệt để sử dụng trong năm học mới là của NXB Giáo dục Việt Nam. Thị phần của Nhà xuất bản Giáo dục vẫn chiếm đa phần nên nhiều phụ huynh cho rằng mục tiêu Quốc hội đặt ra là đa dạng sách, chống độc quyền dường như chưa thực hiện triệt để. Chất lượng và giá SGK vì thế khó lòng mà tốt, rẻ như kỳ vọng.
Theo đó tại điều 32 Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT” đã dấy lên sự lo ngại trong các gia đình có em đang đi học. Liệu mỗi tỉnh học một bộ SGK thì sau này thi vào các trường đại học có vênh nhau không? Liệu Nhà xuất bản Giáo dục vẫn “độc quyền” thì giá SGK năm sau có tăng hay không?
Nhưng ngay sau đó, trong phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sáng 26/11 lại yêu cầu Chính phủ thực hiện theo Nghị quyết 88. Mà trong Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành năm 2014, quy định về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nêu rõ: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”. Các trường sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn, người đứng đầu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; thành viên hội đồng là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên đứng lớp và đại diện cha mẹ học sinh.
Như vậy SGK lớp 1 năm học tới không phải “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK” như Bộ GD&ĐT vừa họp báo công bố mà là “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK”. Trong ngày 20/11 năm nay, khá nhiều phụ huynh, giáo viên bàn tán xôn xao trước thông tin: Việc chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 sẽ do các trường học quyết định; đến năm học sau, thẩm quyền lựa chọn này mới thuộc về UBND các tỉnh.
Sở dĩ có sự “tréo ngoe” này là do phải sau ngày 1/7/2019 Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực thi hành. Nghĩa là Chính phủ không thể giao Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019 áp dụng điều 32 trước khi luật này chính thức được áp dụng. Để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong quy định pháp luật, chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác.
Như vậy có thể xảy ra những tình huống như: Hội đồng trường chọn sách lớp 1 là bộ sách A, lên lớp 2 tỉnh chọn bộ sách B. Thực ra để tránh điều này khi thiết kế Luật Giáo dục cần quy định rõ trong điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp. Chí ít cần được quy định bằng một quy định của Quốc hội ban hành kèm theo Luật để hướng dẫn thi hành, đáng tiếc điều này lại không xảy ra.
Như vậy, trong tháng 12 theo thẩm quyền thì Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư lựa chọn SGK theo tinh thần Luật Giáo dục 2019 đồng thời cũng ban hành thông tư thứ 2 theo tinh thần Nghị quyết 88, chỉ áp dụng đối với lớp 1 và chỉ có hiệu lực thi hành đến hết tháng 6/2020.
Vẫn biết các bộ SGK được thiết kế theo chuẩn quốc gia, đảm bảo tính kế thừa và chuyển tiếp nhưng đây vẫn là những sai sót không đáng có.