[Tiếng dân] Từ câu chuyện Ecopark

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện sốt nhất tuần qua, chắc chắn là đại dịch Covid-19 với các từ khóa “Bắc Giang”, “Bắc Ninh”.

Nhưng sáng 25/5, khi Tập đoàn Ecopark trao 1 triệu USD vào Quỹ vaccine Covid-19, rồi ông Trần Quốc Việt - Tổng Giám đốc Ecopark là chủ đầu tư đầu tiên tại Việt Nam công bố tài trợ 100% chi phí tiêm vaccine Covid-19 cho tất cả cư dân của khu đô thị thì từ khóa “Ecopark” cũng nổi sóng không kém.
 Tập đoàn Ecopark trao 1 triệu USD vào Quỹ vaccine Covid-19
Sự kiện này, báo chí chính thống đã đăng nhưng dư luận lại được lái sang những hướng khác nhau. Thông điệp “mua nhà Ecopark được tài trợ vaccine” không chỉ 60.000 cư dân tại đây quan tâm mà làm dấy lên làn sóng bàn tán xôn xao tại nhiều khu đô thị của Hà Nội. Người thì bảo Ecopark "chơi đẹp", khi dám bỏ ra 1,17 triệu USD để tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên, đối tác của Tập đoàn và toàn bộ cư dân tại khu đô thị Ecopark là điều không phải ông chủ nào cũng làm được. Được biết, tháng 4 năm ngoái, Tập đoàn Ecopark cũng dành tặng hàng chục nghìn cư dân sinh sống trong khu đô thị quà tặng cá nhân gồm khẩu trang, nước rửa tay nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Nhưng lại có tiếng xì xào “Ecopark vừa trao 1 triệu USD cho Quỹ vaccine kèm theo đề nghị Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho 60.000 cán bộ, nhân viên, đối tác của Tập đoàn và toàn bộ cư dân tại khu đô thị Ecopark”. Theo luồng dư luận này, hóa ra Ecopark đang “thả con săn sắt, bắt con cá rô” bỏ ra 1 triệu USD cho Quỹ vaccine nhưng được hưởng lợi tới 1,17 triệu USD. Thậm chí, có người còn nặng lời “khôn thế, quê tôi đầy”, trong khi cư dân Ecopark lại thanh minh: “Tôi không thấy đoạn nào bảo Chính phủ phải cấp miễn phí vaccine lại cho Ecopark. Cố ghép hai việc này vào với nhau là rất ngớ ngẩn. Không có tài trợ của Ecopark thì Chính phủ vẫn cứ phải lo vaccine cho 60.000 dân cơ mà”.

Được biết, ngày 25/5, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Nhanh chóng thành lập Quỹ vaccine phòng dịch Covid-19. Bởi để đảm bảo nguồn kinh phí để mua vaccine cho 75 triệu người dân nằm trong đối tượng, ngân sách T.Ư dự kiến chỉ bố trí được khoảng 16.000 tỷ đồng, cho các đối tượng do T.Ư quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn.

Thực tế cho thấy Mỹ, Anh và nhiều nước có số đông người dân được tiêm vaccine không phải đóng cửa nền kinh tế. Nên Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo: “Khẩn cấp nhập vaccine, sớm ngày nào tốt ngày đó, không chờ đến cuối năm”. Muốn thế, chúng ta cần huy động thêm nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và sự đóng góp của các DN, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Thủ tướng đã giao Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính để nhanh chóng thành lập Quỹ vaccine phòng dịch Covid-19 nhằm kêu gọi các nguồn đóng góp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, DN, nhà hảo tâm, Nhân dân theo tinh thần huy động sức mạnh toàn dân và công khai, minh bạch, khách quan trong quản lý, sử dụng Quỹ.

Kể cả việc các DN có điều kiện, bỏ tiền tiêm vaccine cho chính người lao động của mình cũng cần khuyến khích, miễn là mọi việc rõ ràng, minh bạch. Bởi đó cũng chính là cách bảo vệ DN của mình, cho người lao động và cộng đồng, không bị đứt mạch sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh như thế, tinh thần đi đầu của Tập đoàn Ecopark là rất đáng trân trọng. Những thông tin bất lợi cho DN thể hiện tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội như vừa nói trên cần được Bộ Y tế xác minh và công bố cho người dân được biết. Trắng đen rõ ràng sẽ khiến cho 60.000 cán bộ, nhân viên, đối tác của Tập đoàn và toàn bộ cư dân tại khu đô thị Ecopark có quyền tự hào, khi được sống trong một khu đô thị như thế.

Từ câu chuyện Ecopark cho thấy, cần có những quy định cụ thể về quyền lợi của các DN khi đóng góp vào Quỹ vaccine Covid-19 để huy động được tối đa nguồn lực xã hội. Đây chính là thời điểm để các doanh nhân Việt thể hiện tình yêu đối với quê hương, đất nước, với cộng đồng xã hội. Không bây giờ thì bao giờ?